Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trực thuộc và địa phương phải tổ chức trực ban 24/24h để chủ động lên phương án kịp thời trong tình huống nguy cấp - (Ảnh minh họa) |
Triển khai Công điện số 1985/CĐ-TTg ngày 23/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động đối phó với bão số 16, Bộ GTVT vừa ban hành công điện khẩn yêu cầu các đơn vị và địa phương triển khai ngay, chủ động các công tác ứng phó với bão.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Đài thông tin Duyên hải theo dõi chặt diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão số 16 cho tàu thuyền biết để ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Cục Hàng hải Việt Nam được yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải nắm chắc số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy đang neo đậu tại vùng neo đậu, các cửa sông, cửa biển, vùng nước quanh các đảo, luồng lạch. Đồng thời, phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương có các biện pháp phù hợp kiên quyết yêu cầu các tàu vận tải phải di chuyển đến các khu neo đậu an toàn.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐ) phải chỉ đạo các Chi Cục và các Cảng vụ ĐTNĐ phối hợp với các lực lượng khác ở địa phương hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy vào khu neo đậu an toàn trong luồng lạch. Chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì luồng, tuyến kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu khi có bão, lũ về.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Cục QLĐB: III, IV lên kế hoạch phân luồng, phân tuyến khi có ách tắc giao thông. Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng như: dầm thép, rọ đá, cọc cừ, …để khắc phục, đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ; Các Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các Cục Quản lý đường bộ tiến hành khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông các quốc lộ ủy thác và đường địa phương.
Cục Hàng không Việt Nam được giao chỉ đạo các đơn vị chủ động phòng, chống, rà soát thống kê các trang thiết bị chằng néo, neo đậu tàu bay tại cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình nhà ga, phương tiện vận tải… để hạn chế thiệt hại do bão gây ra.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đọan đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước....
Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam được yêu cầu chỉ đạo và hướng dẫn các nhà máy đóng tàu ở khu vực Tây Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiến hành ngay các biện pháp chằng buộc, neo giữ các tàu đã hạ thủy đang neo, cột trong vùng nước của nhà máy để đảm bảo không bị trôi ra sông, ra biển. Có biện pháp chằng buộc, cố định các tàu đang đóng dở trên triền đà, trong đock tàu không để trôi tuột gây va đập hư hỏng.
Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ GTVT để chủ động xây dựng những phương án chống bão kịp thời trong tình huống nguy cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận