Pháp luật

Bỏ lọt tội phạm vụ xe khách tông chết 2 cháu bé?

15/12/2017, 11:55

Người mẹ chở hai con nhỏ đi học về, dừng chờ đèn đỏ thì bị chiếc xe khách tông khiến 2 cháu tử vong.

17

Hiện trường vụ TNGT

Người mẹ điều khiển xe máy chở hai con nhỏ đi học về, đang dừng chờ đèn đỏ thì bị chiếc xe khách 29 chỗ tông, hai cháu bé thiệt mạng. Các cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố vụ án dù cả tài xế và chủ xe đều có sai phạm.Theo luật sư, việc cơ quan chức năng chưa khởi tố vụ án là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Tài xế, chủ xe gây tai nạn không một lần thăm hỏi

Chúng tôi tìm đến nhà chị Lê Thị Kim Chung (SN 1987), mẹ của hai cháu nhỏ bị xe khách tông chết, bản thân chị bị thương tật suốt đời 53%. Căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở đường Cây Da, phường Tân Bình, TX Dĩ An, Bình Dương. Không có ai ở nhà nhưng cửa vẫn mở toang, trong nhà trống hoác, không có vật dụng gì đáng giá.

Thấy chúng tôi đứng ngoài mưa, anh Dũng, một người hàng xóm của gia đình chị Chung mời chúng tôi vào nhà trú tạm trong lúc đợi chị về. Anh Dũng cho biết, vợ chồng chị Chung và anh Nguyễn Văn Phú (SN 1982) nghèo nhưng rất tốt bụng. Trước ngày xảy ra vụ TNGT cướp đi sinh mạng 2 cháu nhỏ, anh Phú, chị Chung cùng các con sống đầm ấm, hạnh phúc. “Nỗi mất mát quá lớn đến với gia đình họ khiến cả xóm rất buồn. Dù ra sức động viên anh Phú, chị Chung nhưng chúng tôi cũng buồn đứt ruột. Mấy ngày nay, chị Chung vẫn khóc nhiều. Chị ấy khóc vì thương nhớ các con và còn khóc cả vì cái quyết định không khởi tố vụ án…”, anh Dũng nói.

Ngoài trời vẫn mưa, chúng tôi nghe tiếng xe máy và người mẹ đáng thương của hai đứa trẻ xấu số trở về nhà. Dáng người gầy guộc (chỉ chừng khoảng 30kg), héo úa, chị Chung khiến chúng tôi bùi ngùi, xót xa ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cố nén nỗi đau, chị Chung cho biết, năm 2002, anh và chị vào Bình Dương làm công nhân. Năm 2006, họ kết hôn. Năm 2007, anh chị vui mừng đón bé gái đầu lòng chào đời, nhưng phải tới năm 2015 mới sinh thêm được cháu thứ hai. “Cuộc sống của vợ chồng em giờ đây không có ý nghĩa gì cả. Về nhà nhìn nhau, nhiều khi vợ ôm chồng, chồng ôm vợ nói cố lên, thế nhưng cố làm sao bây giờ. Chỉ biết khóc thôi”, chị Chung uất nghẹn.

Cũng theo lời chị, từ sau khi xảy ra TNGT đến nay, chỉ một lần duy nhất, vợ tài xế đến nhà đưa cho anh chị 5 triệu đồng, nói là để mua sữa thắp nhang cho các cháu. “Công an họ không gọi hai gia đình gặp mặt, cả tài xế và chủ xe cũng không đến hỏi thăm nhà em một lời. Họ không có tình người”, chị Chung lại khóc.

18

Nước mắt chị Chung rơi trên chồng hồ sơ cầu cứu - Ảnh: Mai Huyên

Cầu cứu lãnh đạo tỉnh sau nhiều lần bị bác đơn

Chị Chung cho hay, chị vừa đi gửi đơn cầu cứu đến Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND tỉnh, Viện trưởng Viện KSND, Giám đốc Công an tỉnh và nhiều cơ quan liên quan… vì quyết định của ông Võ Văn Hồng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Trưởng Công an và Viện KSND TX Dĩ An không khởi tố vụ án hình sự là không công bằng.

“Kết luận của công an làm vợ chồng em quá bức xúc. Hai đứa con em còn quá nhỏ, một đứa chưa cai sữa, cháu mới được 19 tháng 13 ngày tuổi, một đứa mới được 10 tuổi. Họ cướp đi cuộc đời của các cháu nhưng lại không chịu trách nhiệm. Em không hiểu họ thực thi luật pháp thế nào mà khi tài xế không đủ điều kiện lái xe (chỉ có bằng B2) vẫn đi ra ngoài đường để rồi tông chết người, nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Em đã gửi đơn khiếu nại nhiều lần đến Công an, Viện KSND TX Dĩ An nhưng bị bác đơn. Bất lực quá, vợ chồng em mới lên Facebook cầu cứu và báo chí mới biết”, chị Chung giãi bày.

Chị Chung cho hay, cuộc sống của vợ chồng chị thay đổi hoàn toàn kể từ sau vụ tai nạn. Cách đây một tháng, chị xin đi làm ở một công ty trong KCN Sóng Thần, nhưng làm được một tuần thì nghỉ vì sức khỏe quá yếu và còn bị sốc sau quyết định không khởi tố vụ án. Anh Phú làm ở công ty gỗ, ông chủ biết hoàn cảnh gia đình nên đã tạo điều kiện lúc nào nhà có việc hoặc mệt mỏi thì cho nghỉ ở nhà. “Ông chủ cho đi làm như vậy là để có tiền 2 vợ chồng sống qua ngày. Nhiều chị quý em, gọi đi làm, các chị xin việc cho nhưng em không thể tiếp tục được. Mất hai con, vợ chồng em không còn gì nữa”, người mẹ khốn khổ nước mắt lại nhạt nhòa...

Không khởi tố do... “xe mất phanh”(?)

Khoảng 16h40 ngày 13/2, tài xế Nguyễn Thái Dương (SN 1980, quê Hậu Giang, chỉ có bằng B2) điều khiển xe khách 29 chỗ BKS 51B-176.41 lưu thông tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, khi đến ngã năm giao giữa đường Mỹ Phước - Tân Vạn với đường Thanh Niên, đường Cây Da thuộc phường Tân Bình, xe ô tô do Dương lái gây tai nạn liên hoàn và tông vào 3 xe gắn máy đang dừng chờ đèn đỏ. Vụ TNGT đã làm 2 con chị Chung là Nguyễn Thị Ngọc Lan và Nguyễn Thị Thanh Nga tử vong tại chỗ. Chị Chung bị gãy xương sườn, dập phổi, gãy xương cánh chậu.

Theo kết luận của Sở GTVT Bình Dương, hệ thống phanh trước và sau của chiếc xe gây tai nạn không đảm bảo an toàn. Còn theo Công an TX Dĩ An, ông Trần Thanh Sơn (SN 1963, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) hiện tại vẫn đứng tên chủ xe ô tô khách 29 chỗ gây tai nạn. Tháng 11/2016, ông Sơn sang nhượng lại chiếc xe cho anh Trần Thanh Giống (SN 1985, quê Hậu Giang) nhưng không làm thủ tục mua bán, sang tên. Thời điểm xe gây tai nạn, anh Giống không có giấy phép kinh doanh của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Công an TX Dĩ An đã thông báo quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do vụ TNGT xảy ra là do “xe mất phanh”.

Trong khi đó, anh Quách Công Lập, một nhân chứng và cũng là nạn nhân trong vụ tai nạn khẳng định: “Nguyên nhân gây tai nạn là do lái xe ô tô 29 chỗ muốn tăng tốc để vượt đèn đỏ. Nhưng do xử lý tình huống kém nên đã va vào ô tô đi cùng chiều, dừng ở phía trước...”.

Ngày 8/12, Đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã chủ trì buổi họp cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an, Viện KSND TX Dĩ An và Viện KSND tỉnh để nghe báo cáo vụ việc. Liên ngành Cơ quan CSĐT, Viện KSND tỉnh đã thống nhất vụ tai nạn còn nhiều nội dung cần phải làm rõ để xử lý theo pháp luật.

Lập luận không có cơ sở pháp lý

Lý do cơ quan điều tra cho rằng, hành vi gây tai nạn của tài xế do “mất phanh”, do yếu tố khách quan nên không cấu thành tội phạm là một lập luận không có cơ sở pháp lý. Kết luận có thông tin là trước và sau khi gây tai nạn, hệ thống phanh bị hỏng do khách quan là chưa phù hợp. Vì hệ thống phanh chính không đảm bảo an toàn, tài xế không có GPLX phù hợp có thể trở thành nguy cơ gây hậu quả nguy hại cho xã hội, bởi ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ.

Chủ xe và lái xe để bộ phận phanh không đảm bảo (như kết luận), tức là tài xế không đủ kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật nhằm xác định độ an toàn của loại xe mà mình không có giấy phép điều khiển. Từ đó, có thể nhận định hành vi của tài xế có dấu hiệu tội “vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ” theo Điều 202 Bộ luật Hình sự.

Hành vi của chủ xe có dấu hiệu của tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn” (Điều 204 Bộ luật Hình sự) và tội “điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ”... Do đó, việc cơ quan chức năng chưa khởi tố vụ án là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Luật sư Nguyễn Doãn Hải
Giám đốc Công ty Luật hợp danh Nam Việt Luật

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.