Tiêm phòng dại là phương pháp tốt nhất phòng chống bệnh dại |
Mất mạng vì nghe lời thầy lang
Các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo, qua theo dõi bệnh dại trong nhiều năm, điểm đáng lưu ý là 15 - 20% ca bệnh tử vong do nạn nhân tự ý điều trị bằng thuốc nam, chỉ đến khi phát bệnh mới đưa đến cơ sở y tế nên không thể cứu chữa. Người dân không được chủ quan khi bị chó, mèo cắn hoặc có vết xước, rách da khi chơi đùa, tiếp xúc với các loài động vật này.
Ths., BS. Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lo lắng: Các chuyên gia liên tục cảnh báo tình trạng người dân chủ quan không tiêm vaccine phòng bệnh dại khị bị chó cắn nhưng tình trạng trên năm nào cũng xảy ra. Thậm chí, không ít trường hợp sau khi bị chó cắn thay vì tiêm phòng dại thì nghe “thầy lang” chẩn bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo: Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Trong thời gian tiêm phòng vẫn tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên chờ đợi theo dõi chó ốm như nhiều người quan niệm, bởi nhiều con chó 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị chó cắn mới vội đi tiêm thì đã muộn. Vaccine phòng bệnh dại hiện nay rất tốt, không còn những tác dụng phụ gây di chứng thần kinh như trước đây. |
Ông Nguyễn Trung Cấp đưa ra ví dụ, hè năm trước, bé N.H.H. (12 tuổi, ở Kiến Xương, Thái Bình) có biểu hiện vật vã, kích thích, sợ nước, sợ gió không ngủ được. Gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Thái Bình khám, được xác định bệnh dại và chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhưng sau một ngày nằm viện thì bé tử vong.
Theo gia đình bệnh nhi, trước đó 20 ngày, bé bị chó cắn vào bắp chân. Mãi một tuần sau, gia đình định đưa con đi tiêm phòng thì được truyền miệng đến một “thầy lang” có khả năng xác định vết cắn có phải do chó dại không(!?). Sau khi khám, “thầy lang” khẳng định, vết cắn này không phải do chó dại. Nghe theo, gia đình không đưa bé đi tiêm phòng và quyết định làm thịt con chó để nó không còn cắn người. Thế nhưng sau 20 ngày, bệnh nhi có biểu hiện lên cơn dại, gia đình tức tốc đưa đến bệnh viện nhưng đã quá muộn.
“Gần đây nhất, tại tỉnh Thái Bình, một gia đình có 2 người bị chó dại cắn. Người chú 40 tuổi thì tiêm phòng, còn đứa cháu 6 tuổi, gia đình đưa đi khám thầy lang gần nhà. Thầy lang thử vết chó cắn và bảo không phải chó dại, nên gia đình không đưa cháu đi tiêm. Chỉ hôm sau, cháu lên cơn dại và tử vong”, Ths., BS. Cấp chia sẻ.
Giết thịt chó cũng có nguy cơ mắc bệnh dại
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 56 trường hợp tử vong do bệnh dại, tương đương số ca tử vong của năm 2016. Số ca bệnh dại nhập viện ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó thường gặp trong những năm gần đây là ở: Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình… Theo tìm hiểu, rất nhiều người khi bị chó cắn thường tìm đến các phương thuốc gia truyền hay các “thầy lang” để điều trị. Đáng nói, nhiều trường hợp nghĩ chó nhà nuôi cắn thì không sao và trước đó con chó cũng không có biểu hiện gì đặc biệt nên chủ quan không tiêm phòng. Chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vaccine phòng bệnh thì đã quá muộn. Lúc này, virus bệnh dại đã lên não và phát bệnh thì không có thuốc nào chữa được. Không chỉ những người bị chó dại cắn mà cả những trường hợp làm thịt chó dại (virus dại xâm nhập cơ thể qua những vết thương) cũng có nguy cơ mắc bệnh dại. Theo các chuyên gia dịch tễ, bằng mắt thường không thể phân biệt con chó nào mang virus dại. Nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 - 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường từ 2 - 4 ngày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận