ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu trong buổi thảo luận ở tổ ngày 24/3 |
ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) nêu ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ, cho ý kiến vào báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 ngày 24/3.
Thu ngân sách không đủ nuôi bộ máy hành chính
Đánh giá cao những kết quả đạt được như đã nêu trong báo cáo, song ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) lại tỏ ra băn khoăn về việc liệu những thành quả đó đã thực chất hay chưa, tới đây phải làm gì để tạo chuyển biến, tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân. “Hiện nay, chi thường xuyên lương khối hành chính tới 400.000 tỷ đồng/năm, trong khi thu ngân sách chỉ 1 triệu tỷ. Nếu tăng lương đủ cho khối này thì cũng tiêu hết số thu ngân sách. Như vậy, thu ngân sách không nuôi đủ bộ máy hành chính là điều rất nguy hiểm”, ông Đương nhận định.
Nhắc đến chủ trương tinh giản biên chế được đề cập bấy lâu nay, ĐB Đương cho rằng đây là chủ trương đúng, nhưng để làm được phải trải qua rất nhiều bước xây dựng đề án, báo cáo các cấp thẩm quyền phê duyệt... “Cứ như thế này thì lâu lắm, không làm được đâu. Riêng khâu thủ tục thôi cũng đã rất nhiêu khê rồi, xin hết cấp này tới bộ nọ mới được cắt giảm. Phải nhất thể hoá một số chức danh giữa Đảng và chính quyền, bớt tầng lớp cán bộ phong trào, tầng lớp trung gian, đoàn thể. Hô khẩu hiệu nhiều quá, bắt tay làm việc thì ít. Ngay Quốc hội cũng nhiều tầng lớp trung gian, ngồi nghe thì nhiều mà chỉ tham gia vài câu không giải quyết được gì, người thiết kế các quy phạm pháp luật thì như lá mùa thu”, ông Đương nói và kiến nghị phải coi trọng chuyên gia, chuyên môn và trả đồng lương xứng đáng cho đội ngũ này. Tinh giản bộ máy phải tăng cường xã hội hoá, những gì người dân làm được thì để dân làm, chứ “một ông nông dân “cõng” tới 4 ông công chức, mà toàn công chức “béo” thì không được”.
ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) cũng cho rằng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, nếu có giải pháp quyết liệt như tinh gọn bộ máy, triệt để tiết kiệm chi tiêu công, đặc biệt là chi thường xuyên, đấu tranh phòng chống tham nhũng quyết liệt thì có thể có bội chi nhưng không lớn như hiện nay. “Để khắc phục bội chi ngân sách và chi thường xuyên, Chính phủ, Quốc hội đã có chủ trương tinh giản bộ máy, muốn giảm 10% biên chế nhưng thủ tục thực hiện lại nhiêu khê vô cùng. Quy định là Đề án giảm biên chế thì phải Bộ nội vụ duyệt. Tại sao lại phi lý như thế, sao không để địa phương quyết định?”, bà Dung nêu quan điểm và cảnh báo thêm, bộ máy càng lớn thì càng gắn với nợ công, với bội chi ngân sách.
“Nghèo thì không thể đội trời chung với tham nhũng”
Đó là quan điểm được ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đưa ra khi cho ý kiến về bộ máy cồng kềnh tạo cơ chế cho tham nhũng, lãng phí. Bà An cho rằng cần tập trung phân tích, khắc phục những hạn chế trong báo cáo của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh về hạn chế của bộ máy hành chính, quản lý nhà nước. Về cơ cấu tổ chức bộ máy, nữ ĐB cho rằng bộ máy quá cồng kềnh gây lãng phí vô cùng lớn. “Nước nghèo như ta thì không thể đội trời chung với lãng phí. Trong lựa chọn cán bộ cần chọn được đúng người có tâm, có tài vào các cơ quan, hệ thống chính trị”, bà An nói.
Bày tỏ băn khoăn về thể chế cải cách hành chính, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, cải cách hành chính chưa đảm bảo quyền tự do bình đẳng kinh doanh giữa các thành phần kinh tế cũng như người dân. “Cứ nói là cải cách hành chính nhưng thực tế nền hành chính vẫn mang tính xin - cho. Nền hành chính nhiều cấp, ngành, nhiều cán bộ, công chức vẫn làm khó cho doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp tâm sự với chúng tôi rằng mọi người cũng rất muốn làm giàu cho đất nước, cho quê hương. Đất lành thì chim đậu. Nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết cả chim. Đây là một sự thật mà chúng tôi nghe thấy và rất xót xa”, bà Khánh ví von khiến cả phòng họp bật cười.
ĐB Khánh cũng bày tỏ mong muốn nhiệm kỳ tới nền hành chính chúng ta phải thay đổi, thực sự minh bạch, hiệu quả, chứ không thể cứ hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, báo cáo của Chính phủ đều đánh giá cải cách thể chế, cải cách hành chính còn nhiều vướng mắc.
Xây dựng “liên minh mềm” để bảo vệ chủ quyền Đề cập đến vấn đề chủ quyền trên biển Đông đang đứng trước nguy cơ bị xâm phạm, ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) nhấn mạnh cần phải nói rõ nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền sẽ ảnh hưởng thế nào đến đất nước trong 5 năm tới. Bởi nếu chúng ta không dự báo được thì không có chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Theo bà Dung, chúng ta phải đưa ra được dự báo cụ thể mới có sự chủ động trong việc ứng xử trong đường lối đối ngoại, điều hành chỉ đạo đất nước một cách bền vững. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng khẳng định, muốn bảo vệ đất nước không có cách nào khác phải dựa vào dân. Không có vũ khí nào thay thế được nhân dân, mạnh bằng nhân dân. Việc Việt Nam có chủ trương không tham gia bất kỳ liên minh quân sự, không vũ trang để xâm phạm chủ quyền nước nào là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta có thể xây dựng, tham gia vào các “liên minh mềm” để bảo vệ chủ quyền. “Liên minh mềm là việc tôi cần anh và anh cần tôi, và về chiến lược lâu dài tôi với anh không có xung đột về lợi ích”, ông Nghĩa phân tích. |
“Nói thông tin mật nhưng nhiều người vẫn biết” Chiều 24/3, các ĐBQH thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bày tỏ không đồng tình với Điều 6 trong dự thảo Luật Tiếp cận thông tin quy định về những thông tin dân không được tiếp cận. Theo ông Vinh, cách quy định này không cụ thể, không rõ ràng. Hiện tại ngoài thông tin thuộc bí mật Nhà nước được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 còn nhiều thông tin công dân không được tiếp cận quy định trong các luật chuyên ngành. Đó sẽ là khó khăn lớn cho công dân xác định đâu là thông tin mình không được tiếp cận vì có quá nhiều văn bản pháp luật quy định mà người dân thì không thể nào nắm rõ được. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhắc đến việc đề phòng thông tin không mật nhưng cơ quan có thông tin không công bố, ví dụ như thông tin quy hoạch ở Hà Nội và TP HCM hay Đà Nẵng. Trước đến nay ai cũng biết chỉ cần biết trước thông tin quy hoạch mở đường, dự án thì sau một đêm, một ngày hay một tuần nhiều người giàu lên rất nhanh. “Người ta nói bí mật không nói nhưng rất nhiều người vẫn biết. Nên cái nào mật liệt kê luôn thì tốt nhất để người dân biết thông tin nào được lấy, thông tin nào không, tránh trường hợp không mật thành mật, không mật cũng đóng dấu mật để phục vụ lợi ích nhóm”, bà An lưu ý. Hoài Vũ |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận