Xã hội

Bộ máy “phình” về cả tổ chức và biên chế

17/08/2017, 10:53

Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian.

15

Ứng dụng CNTT giúp tăng năng suất lao động (Trong ảnh: Cán bộ giúp dân nhanh chóng làm thủ tục hưởng BHYT tại Bệnh viện Bạch Mai) - Ảnh: Nguyên Thanh

Sau thời gian tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, Đoàn giám sát của Quốc hội đã hoàn tất báo cáo kết quả giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/8.

Có Bộ tăng 10 Vụ trong 5 năm

Theo báo cáo giám sát, việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ tuy đã được thực hiện theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn còn một số hạn chế. Việc xác định phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách của bộ còn có điểm chưa hợp lý, một số lĩnh vực còn chồng chéo hoặc giao quá nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý nên khó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng.

Trước khi thảo luận về kết quả giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: “Với tổ chức bộ máy hiện nay có đảm bảo hiệu lực, hiệu quả khi thực hiện nhiệm vụ hay chưa? Bộ máy phình ra cả về tổ chức và biên chế là do yêu cầu quản lý hay lý do nào khác?”. Trả lời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, trong nhiều văn bản đều đánh giá bộ máy trong những năm qua có hiệu lực hiệu quả tăng lên, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Bộ máy phình ra cả về tổ chức và biên chế trước hết có nguyên nhân do yêu cầu quản lý tăng, quy mô nền kinh tế, dân số tăng nên đội ngũ tăng.

Đại diện Chính phủ phát biểu ý kiến, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước là chủ trương lớn, mục tiêu xuyên suốt là xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, các cấp chính quyền. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn nỗ lực sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính Nhà nước, tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế, giảm đầu mối cấp trung gian, một việc chỉ giao cho một cơ quan, trong đó có một người chịu trách nhiệm chính.

Lấy dẫn chứng ở Bộ Tư pháp trong 5 năm qua tăng gần 10 vụ, ông Định cho rằng nguyên nhân do có thêm chức năng, nhiều việc trước đây địa phương, đơn vị khác làm nhưng nay giao cho bộ làm nên cần thêm người. Tuy nhiên, việc phình bộ máy còn có lý do chấp hành không đúng văn bản ở trên, thậm chí có văn bản của bộ quy định không thống nhất với văn bản của Chính phủ, dẫn đến việc có nơi áp dụng nghị định, có nơi áp dụng thông tư. “Đi giám sát thấy có nơi phản ánh là do lúng túng không biết áp dụng thế nào nên hỏi 3 bộ nhưng có bộ nói chờ hỏi ý kiến, có bộ nói văn bản đó đúng rồi, còn bộ thứ ba thì không thấy trả lời!”, ông Định nêu thực tế.

Một nguyên nhân khác được ông Định chỉ ra là do trình độ cán bộ, có nơi nói cán bộ yếu nên đáng lẽ một việc giao cho một người thì phải cần hai người làm việc.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thẳng thắn đánh giá bộ máy hành chính đến giờ còn cồng kềnh. Theo ông Tân, thông thường chúng ta giao đầu mối phân cấp quản lý mà chưa tính cơ cấu bên trong, nên vừa qua đầu mối không tăng nhiều nhưng bên trong lại tăng nhiều cục, chi cục, Phòng. Do đó, sắp tới phải kiểm soát cơ cấu bên trong.

Đề cập tính hiệu lực, hiệu quả, Bộ trưởng Tân nhận xét, hiện một việc phải trải qua quá nhiều cấp hành chính nên cần tiến tới phân cấp mạnh hơn, như ở địa phương thì giao theo thẩm quyền chuyên môn chứ không “đùn” việc lên trên, từ đó cũng giúp giảm bộ máy. Ngoài ra, về đối tượng tinh giản, cần mở rộng và có sàng lọc cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Nói về việc chấp hành pháp luật về tổ chức và biên chế chưa tốt, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chỉ ra 3 nguyên nhân: Địa phương hiểu không đúng văn bản quy phạm Nhà nước, văn bản hướng dẫn nói không rõ dẫn đến số lượng biên chế và cấp phó nhiều. Cùng với đó, là sự vận dụng vượt quá mức cho phép. Ngoài ra, văn bản chưa phù hợp đối với các lĩnh vực, vùng miền khác nhau. Theo ông Tân, số lượng cơ quan bộ máy cấp tỉnh vừa qua quy định “phần cứng” nhiều quá nên có địa phương có đặc thù riêng muốn thành lập đơn vị nào đó cho phù hợp cũng khó. Do vậy, Bộ Nội vụ tham mưu giảm “phần cứng” và tăng “phầm mềm” để địa phương sáp nhập hay lập mới theo yêu cầu, đặc điểm từng địa phương.

Tỷ lệ tinh giản biên chế chưa được 1%

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin thêm, cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, tổ chức thành nhiều chi cục, phòng và tương đương. Đến tháng 12/2016, trung bình một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có 8,1 phòng và tương đương trực thuộc. “Một sở bình quân hơn 8 phòng là quá nhiều, sắp tới không để sinh ra nhiều quá”, Bộ trưởng Tân nêu quan điểm.

Ông cũng cho hay, hiện tỷ lệ tinh giản biên chế chưa được 1%, đây được đánh giá là tỷ lệ thấp. Do đó, Chỉ thị của Chính phủ giao trách nhiệm người đứng đầu, xem đây là tiêu chí đánh giá và nếu không thực hiện tốt, sẽ xem xét xử lý.

Góp ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội đã chọn chủ đề giám sát rất đúng và rất trúng; Đồng thời, đánh giá báo cáo giám sát công phu, thể hiện khá toàn diện, phản ánh thực trạng bộ máy hành chính chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, báo cáo mới chú ý nói về cải cách, sắp xếp mà chưa phân tích về mối liên hệ tới hiệu quả hoạt động của bộ máy. Sau 2 năm, số biên chế tinh giản còn thấp và trong việc làm rõ nguyên nhân chưa đi sâu, làm bật lên được nguyên nhân chủ quan. “Nói tinh giản biên chế ai cũng đồng tình nhưng khi nói tới cơ quan mình, địa phương và lĩnh vực mình thì ai cũng không đồng ý, thậm chí còn đòi tăng. Cái này là chủ quan, đụng tới cơ quan nào cũng nói còn đang thiếu phải xin thêm”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.