Giáo dục

Bố mẹ thường xuyên la hét khiến con cái giảm IQ, lưu ý 3 trường hợp này

25/08/2021, 01:00

Cách giáo dục bằng những lời quát mắng giống như đòn roi hoàn toàn không mang lại lợi ích nào trong việc giáo dục một đứa trẻ.

Roy Baumeister là giáo sư ngành Tâm lý học Xã hội rất nổi tiếng tại Đại học Florida, Mỹ. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông phát hiện ra rằng: “Những điều tích cực và tiêu cực mà trẻ nhận được từ bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển trí tuệ”.

Trong rất nhiều trường hợp bố mẹ quát tháo con cái, phải kể đến gia đình của cô Lưu sau đây. Vào mỗi buổi tối, tiếng la hét, quát tháo đứa con trai 9 tuổi Tiểu Hoàng lại vang vọng khắp dãy hành lang chung cư.

Điệp khúc: “Tại sao phép tính 20 + 15 đơn giản như vậy mà con lại không làm được cơ chứ. Sao con ngốc quá vậy”. Tuy nhiên, dù có la hét khản giọng đi chăng nữa, thành tích học tập của con trai cô cũng không được cải thiện.

Thậm chí thành tích ban đầu của Tiểu Hoàng từ top 5 của lớp đã “đội sổ” cuối lớp. Một số người hàng xóm nói rằng, có lẽ thành tích con trai cô Lưu sa sút vậy là do cô đã quá khắt khe với cậu bé.

img

Ảnh minh họa.

Trước đây, kết quả học tập của Tiểu Hoàng rất tốt. Tuy nhiên, mỗi khi được người khác khen ngợi, cô Lưu liền nghiêm túc nói với con mình: “Mọi người khen con như phép lịch sự thôi, đừng coi trọng quá. Lần sau thi, con nhất định phải đứng top 3 trong lớp cho mẹ”.

Sau vài lần như vậy, Tiểu Hoàng thường không nói gì rồi chạy về nhà, thỉnh thoảng đáp lại: “Cô đừng khen cháu như vậy. Cháu chẳng giỏi chút nào đâu”.

Sau một thời gian, điểm số của Tiểu Hoàng ngày càng tệ hơn. Mỗi khi nghe thấy tiếng cô Lưu la mắng con trai mình, một số người hàng xóm tỏ ý khuyên ngăn nhưng cô luôn nói: “Bây giờ điểm số của nó quá tệ nên mới cần tôi mắng.

Nếu tôi không mắng chắc nó càng sa sút hơn nữa. Càng nhiều người biết tôi la mắng vì nó học dốt, nó sẽ xấu hổ mà nghiêm túc học hành tốt hơn”.

Thế nhưng trên thực tế, càng bị mẹ la mắng bao nhiêu thì thành tích của Tiểu Hoàng lại chẳng hề cải thiện, thậm chí còn giảm hơn.

Trong nghiên cứu của giáo sư Roy Baumeister cũng chỉ ra rằng, não bộ của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và hệ thần kinh cũng vậy.

Việc bố mẹ quát mắng to tiếng sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ, sợ hãi tột cùng. Lúc này, những tác động tiêu cực sẽ ảnh hưởng tới não bộ, khiến trẻ ngày càng đần độn hơn.

3 trường hợp không nên la mắng trẻ quá nặng nề

Khoa học đã chứng minh rằng, la hét thường xuyên sẽ làm giảm chỉ số IQ của trẻ, đặc biệt là trong 3 trường hợp này:

- Khi trẻ đang khóc và có tâm trạng tiêu cực

Để khiến trẻ bình tĩnh lại càng nhanh càng tốt, một số bố mẹ sẽ quát rằng: “Nếu con tiếp tục khóc rồi kiếm chuyện, mẹ không cần đứa con này nữa”, “Con có nín khóc ngay không thì bảo, hay muốn mẹ tét vài roi vào mông”.

Trong phần lớn những trường hợp tương tự như vậy, trẻ thường nín khóc rất nhanh.

Tuy nhiên, lúc này trẻ cảm thấy rất bất an vì sợ bố mẹ bỏ rơi mình. Ngoài ra, những lời đe dọa như vậy sẽ khiến cảm giác tiêu cực bủa vây trẻ, khiến chúng không còn thiết tha gì tới việc thể hiện bản thân và dần muốn che giấu cảm xúc thật của mình đi.

img

- Khi trẻ mắc lỗi

Thông thường, khi trẻ mắc một lỗi nào đó, bố mẹ sẽ giận dữ và hét lớn: “Mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi, sao con vẫn phạm lỗi y vậy” hoặc “Mẹ chẳng biết não của con chứa thứ gì trong đó, mẹ cho con ăn cơm mỗi ngày như người ta cơ mà”.

Những lời la mắng nặng nề này khiến trẻ hoảng sợ tột cùng. Trong khi bố mẹ tiếp tục thể hiện sự tức giận của mình bằng lời nói, trẻ không biết lỗi thực sự của mình là gì và lặp lại lỗi này vào lần sao.

Rõ ràng, bố mẹ đã không nghiêm túc giải thích cho trẻ hiểu là chúng đã sai ở đâu và sửa sai như thế nào. Khi đó, trẻ không có cơ hội học hỏi và tiến bộ.

- Khi ở nơi công cộng

Khi bố mẹ la mắng trẻ ở nơi công cộng, điều này chắc chắn sẽ làm tổn thương nặng nề tới lòng tự trọng của chúng.

Điều này khiến trẻ trở nên tự ti hơn, ngăn cản trẻ sửa sai và khiến chúng sợ hãi nếu sau này mắc lỗi như vậy sẽ bị mắng mỏ một cách tàn nhẫn.

Qua những điều trên có thể thấy rằng, việc bố mẹ quát mắng trẻ một cách nặng nề và to tiếng không những không giáo dục được trẻ, mà còn ảnh hưởng đến tâm thần và sự phát triển bình thường của não bộ.

Bố mẹ nên giáo dục con cái như thế nào khi chúng mắc lỗi?

Nhà tâm lý học và triết gia người Đức Karl Jaspers từng nói: “Giáo dục phải có lý trí, đừng đánh mất đi sự dịu dàng”.

Điều này có nghĩa là khi bố mẹ giáo dục con cái, họ cần phải lý trí, bình tĩnh, kiên nhẫn, lúc này những điều dạy dỗ mới có tác dụng. Ngược lại, khi bố mẹ xúc động mạnh, những lời nói của họ có thể gây tổn thương sâu sắc tới trẻ.

img

Khi trẻ mắc lỗi, bố mẹ chỉ nên tập trung vào những lỗi mà chúng mắc phải ở hiện tại, thay vì “đào xới” lại những chuyện trước đây. Bằng cách này, trẻ mới hiểu được những sai lầm của mình ở hiện tại và tránh mắc lại lỗi sai ở lần sau.

Giáo dục con cái cũng cần phải dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu. Có như vậy, trẻ mới nghe lời theo những gì bố mẹ nói.

Khi bố mẹ la mắng, quát tháo trẻ, chúng sẽ sợ hãi và căng thẳng, hoàn toàn không tiếp thu được những lời bố mẹ nói. Hơn nữa, hành động này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sự phát triển não bộ và IQ của trẻ.

Vì vậy, bố mẹ cần chú ý đến cách thức và thái độ khi giáo dục con mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.