Chiều 23/11, tại buổi họp báo thường kỳ, liên quan đến tình hình công dân Việt Nam ở Myanmar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, theo thông tin mới nhất của cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar, tình hình an ninh tại một số bang của miền Bắc Myanmar tiếp tục có diễn biến phức tạp.
"Cho đến nay, khoảng 700 công dân Việt Nam đang ở khu vực tạm thời an toàn. Nhiều trường hợp khác đang chờ xác minh thông tin", bà Phạm Thu Hằng cho biết.
Cũng theo người phát ngôn, ngay từ khi nhận được thông tin về tình hình Myanmar cũng như tình hình công dân Việt Nam tại Myanmar vào cuối tháng 10, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar làm việc với các cơ quan chức năng của Myanmar, đề nghị phía Myanmar bảo đảm an toàn và điều kiện sinh hoạt cho công dân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của công dân Việt Nam ra khỏi khu vực giao tranh.
Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Myanmar đã phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin với các cơ quan đại diện nước ngoài có công dân tại khu vực này, làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân.
Hiện, Bộ Ngoại giao đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn và các biện pháp sơ tán công dân trong thời gian sớm nhất có thể.
"Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ liên lạc với các đầu mối công dân Việt Nam tại khu vực lánh nạn và chuẩn bị sẵn sàng triển khai các công tác bảo hộ công dân cần thiết để đưa công dân về nước sau khi thống nhất được phương án di chuyển" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói và nhấn mạnh nhóm đang làm việc 24/24h.
Xung đột ở miền bắc Myanmar nổ ra từ sáng sớm 27/10. "Liên minh ba anh em" gồm Đội quân dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), và Quân đội giải phóng dân tộc Ta'ang (TNLA) đã phát động cuộc tấn công tại bang Shan, phía bắc Myanmar gần biên giới Trung Quốc.
Cuộc nổi dậy có tên "Chiến dịch 1027", lấy theo cột mốc ngày chính thức nổ súng. Liên minh các nhóm vũ trang trên sau đó thông báo đã chiếm được một số đồn quân sự và những con đường huyết mạch nối Myanmar với Trung Quốc, trong khi quân đội Myanmar đáp trả bằng các cuộc không kích.
Trong những ngày sau, xung đột lan ra các bang khác như Rakhine, Sagaing, Chin, Mon, Kachin và Kayin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận