"Việt Nam khẳng định khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 từ đầu tháng 5 đến nay thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam", ông Lê Hải Bình nói.
Liên quan đến việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương-981, ngày 16/7/2014, trả lời PV Báo Giao thông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Một lần nữa, Việt Nam khẳng định khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 từ đầu tháng 5 đến nay thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn 2 tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương-981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế”, ông Lê Hải Bình nói.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam |
Sáng nay, Phóng viên Khánh Hà của Báo Giao thông có mặt tại vùng biển Hoàng Sa điện thoại cho biết giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shinyou 981) của Trung Quốc đã di chuyển về phía Trung Quốc 40 hải lý so với vị trí cũ.
Lực lượng tàu hùng hậu của Trung Quốc cũng hộ tống giàn khoan về vị trí mới. Trên màn hình ra da của các tàu cảnh sát biển của VN chỉ quan sát thấy còn lại khoảng 10 tàu quân sự Trung Quốc tại vị trí cũ. Các tàu và giàn khoan khổng lồ di chuyển với tốc độ khoảng 4 hải lý một giờ.
Ngay từ chiều qua, Trung Quốc đã giảm số tàu tham gia bảo vệ giàn khoan xuống còn 70 – 75 tàu, thấp hơn rất nhiều so với con số 120 tàu trong thời gian vừa qua. Đặc biệt toàn bộ số tàu cá của Trung Quốc đã di chuyển về khu vực đảo Hải Nam.
Rất có thể Trung Quốc đã quyết định di dời giàn khoan, tàu hộ tống và tàu cá để tránh bão Rammasun. Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của CSB VN tại hiện trường, cơn bão dự kiến cấp 10, giật cấp 12 này không đánh thẳng vào vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương.
Tại thực địa, các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của ta tiếp tục bám trụ hiện trường. Hiện nay, các tàu cá của ngư dân ta trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt ở phía Tây - Tây Nam giàn khoan, cách giàn khoan 34-39 hải lý.
Trên khu vực tàu cá của ta đánh bắt có 1 tàu hải cảnh số hiệu 31101 của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn chặn, không cho các tàu cá của ta tiến vào gần khu vực giàn khoan.
Dưới sự hỗ trợ của tàu kiểm ngư, các tàu cá của ta vẫn bám ngư trường đánh bắt cá, bảo đảm an toàn.
Đến thời điểm này, các tàu kiểm ngư và tàu cá Việt Nam đã có các phương án phòng tránh đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi cơn bão Rammasun ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực.
Sáng nay (16/7), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi xác nhận thông tin giàn khoan Hải Dương-981 của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc và Công ty TNHH Dịch vụ dầu khí đã hoàn thành công việc khoan và thăm dò tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm qua (15/7).
Quang Minh - Khánh Hà
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận