Thứ trưởng Đặng Hoàng An ngày 8/11 đã trao Quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho bà Chu Thị Thu Hương, nguyên Phó Cục trưởng Cục QLTT.
“Quan điểm của Lãnh đạo Bộ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương công tác này phải đảm bảo tuyệt đối theo đúng quy định. Thà chậm nhưng đúng quy trình, chọn đúng người. Nếu làm nhanh mà làm sơ sẩy không chỉ thiệt hại uy tín cho tổ chức mà còn ảnh hưởng đến cá nhân các đồng chí liên quan” Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu ý tại buổi bổ nhiệm.
Thực hiện công tác sắp xếp, kiện toàn, đến nay Bộ Công thương đã giảm được 164 đội QLTT trong tổng hơn 600 đội trên cả nước; đến 2020 Bộ tiếp tục giảm 140 đội QLTT.
Năm 2019, Bộ Công thương sẽ thành lập 19 Cục QLTT liên tỉnh, theo đó cả nước chỉ có 47/63 Cục QLTT ở địa phương.
Phát biểu tại buổi bổ nhiệm, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, việc bổ nhiệm bà Chu Thị Thu Hương là bước kiện toàn lãnh đạo Tổng cục. Sau một năm hoạt động, Tổng cục sẽ bước vào giai đoạn mới tập trung nhiều vào công tác chuyên môn, kiểm tra, kiểm soát thị trường.
QLTT là 1 trong 4 mảng lớn của Bộ Công thương. Tổng cục QLTT được thành lập theo quyết định ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nâng cấp từ Cục QLTT.
Tại hội nghị triển khai công tác đầu năm 2019, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục 2019 là kiện toàn tổ chức, nhân sự; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cơ quan, công chức làm công tác quản lý thị trường.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh lúc đó cũng nêu vấn đề kiện toàn Tổng cục còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Khi đó, ông Trần Tuấn Anh đã yêu cầu trong 4 tháng đầu năm 2019 Tổng cục QLTT phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ kiện toàn bộ máy, đáp ứng yêu cầu công việc.
Ông Trần Tuấn Anh còn thẳng thắn chỉ ra những tồn tại lớn của QLTT là tổ chức bộ máy nhân sự cũng như công tác phối hợp với địa phương chưa hiệu quả. Đáng chú ý, năng lực chuyên môn, đạo đức, văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ QLTT còn bất cập.
Trước đó vài ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết tình trạng hàng giả, hàng nhái; gian lận thương mại còn phức tạp, ảnh hưởng tới lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Thủ tướng yêu cầu: “Tổng cục QLTT phải làm sao cho tốt. Làm chưa tốt phải chấn chỉnh để tốt hơn. Người ta kêu nhiều thì phải tổ chức tốt hơn, mô hình như thế nào, giám sát quyết liệt, không để QLTT cản trở hàng hóa lưu thông”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.
Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, trong lĩnh vực QLTT đã có nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan ảnh hưởng tới sức khỏe người dân; một đội phó QLTT tại Nghệ An bị khởi tố vì “làm luật” thầy lang 6 triệu đồng; hay vụ việc TAND Sóc Trăng đã phải mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, xảy ra tại Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng; vụ việc vận chuyển thuốc lá lậu tại Gia Lai...
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên chiều 6/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá: “Lực lượng QLTT đã thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là yêu cầu mới về việc tổ chức ngành dọc ngày càng chính quy, tập trung tấn công và xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng nhận trách nhiệm: “Tại diễn đàn Quốc hội này, tôi cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình chưa đảm bảo hết được những yêu cầu trong đấu tranh chống hàng giả, hàng kém phẩm chất, nhưng chúng tôi cam kết trong thời gian tới đây lực lượng QLTT sẽ tiếp tục làm tốt và sẽ làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp với các địa phương, các lực lượng chức năng khác trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận