Nỗi buồn cô quạnh
2 ngày nay, Yên Bái đã có nắng, nhưng trong ngôi nhà nhỏ số 785, đường Đại Đồng (thuộc tổ 5, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) vẫn lạnh lẽo đến cô quạnh.
Ngay phòng khách đơn sơ có chiếc bàn thờ nhỏ nghi ngút khói hương. Chị Nguyễn Như Quỳnh cùng hai con mặt mày phờ phạc, ngây dại. Có lẽ đến giờ họ vẫn chưa tin là chồng, bố mình là anh Nguyễn Văn Thi đã mất.
"Hôm trước anh còn nói đưa em xuống Hà Nội mổ đốt sống lưng, vậy mà giờ anh đã đi rồi", chị Quỳnh nghẹn ngào.
Anh Thi vốn làm nghề chài lưới trên hồ Thác Bà. Sáng 10/9, anh gọi điện thoại về cho vợ nói anh em thợ thuyền lên khu vực đường Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái) lái thuyền tiếp tế nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ.
“Đến đầu giờ chiều, có người điện thoại nói chồng tôi mất rồi. Tôi không tin, anh ấy bơi giỏi lắm, giông lốc trên lòng hồ, thuyền chạy bờ không kịp bị lật, anh ấy còn lặn xuống bơi lên được”, chị Quỳnh bật khóc.
"Sau này tôi nghe chủ thuyền và mấy người đi cùng kể, thuyền đi 5 người. Đã đưa được 1 chuyến tiếp tế vào cho bà con bên trong. Khi đi ra, nước ngập tới hơn 2m và chảy rất xiết khiến thuyền không may bị lật úp. Nhà tôi lái thuyền, nên cánh tay bị mắc kẹt vào tay lái, bị thuyền đè lên, không bơi ra được", tiếp lời chị Quỳnh.
Nghe mẹ kể, cháu Nguyễn Khánh Linh (con đầu của anh Thi) thút thít: "Bố nói là bố đi cứu trợ mà bố không về nữa. Đến lúc mất, bố còn chưa kịp ăn trưa".
Anh chị cưới nhau từ năm 2002 nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có thu nhập ổn định. Năm 2006, anh chị quyết định xây dựng một ngôi nhà cấp 4 rồi năm 2014 cải tạo lại.
“Nhà sửa từ 10 năm trước nhưng cháu lớn đi học, rồi cháu thứ 2, thêm tôi phát hiện bị trượt đốt sống nên cũng không có tiền mà quét sơn, quét ve cái tường nữa”, chị Quỳnh kể trong nước mắt.
Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, cả 3 mẹ con chị Quỳnh ngơ ngác. Chị lắc đầu nói không biết thế nào nữa.
“Hai hôm nay cháu Nguyễn Hồng Nhung (con gái thứ 2) nói, bố không còn nữa, hay là con nghỉ học, tôi chỉ biết khóc động viên con. Bản thân tôi bị đau đốt sống nên không làm được việc nặng nhọc.
Giờ chỉ mong cháu Linh đang là sinh viên năm cuối Đại học Tài nguyên và Môi trường, sau khi ra trường sớm có được công việc, để đỡ đần mẹ nuôi em”, chị Quỳnh bày tỏ.
Gửi con cấp cứu ở bệnh viện để đi cứu trợ
Sau nhiều ngày ngập ngụa trong bùn nước, anh Nguyễn Thành Long (SN 1982) lại trở về cuộc sống thường nhật của mình - rửa xe, bán trà đá ở đường Ngô Minh Loan (xã Âu Lâu, TP Yên Bái).
Nhấp ngụm trà nóng, anh Long kể: "Từ khi sinh ra đến giờ mình mới thấy trận lũ to như thế này, nước ngập khắp cả thành phố, có nơi gần đến tầng 2".
Từ khoảng ngày 7/9, TP Yên Bái mưa không ngớt, sau đó nước lũ từ trên sông Hồng dâng nhanh tràn vào nhấn chìm các khu dân cư.
"Lúc đó mọi thứ rất ngổn ngang. Trước khi lũ lên, chính quyền và lực lượng chức năng đã đi thông báo sơ tán nhưng nhiều người vẫn chủ quan, cứ nghĩ nước không lớn. Đến khi nguy cấp thì nháo nhào kêu cứu khắp nơi, lực lượng chức năng cũng xử lý không xuể”, anh Long nhớ lại.
Sinh ra lớn lên ở bên bờ sông, nhà có một chiếc xuồng nhỏ, thi thoảng chèo đi đánh cá. Khi thấy các khu dân cư ngập sâu, nhiều người kêu cứu. Trong khi đặc thù ở thành phố nhiều ngóc ngách, ca nô lớn của lực lượng công an, quân đội không tiếp cận được. Anh Long liền vác thuyền xung phong đi tiếp tế cho bà con.
Anh nhớ lại: "Lúc đó mình không nghĩ được gì nhiều. Thấy dân kêu cứu là đi thôi. Nhiều nơi nước ngập 4-5m, chảy xiết ầm ầm, chiếc xuồng nhỏ của mình như chiếc lá trôi vèo vèo không cần chèo. Giờ ngồi nghĩ lại mới thấy ớn sống lưng".
Trong khi đó, thầy Nguyễn Chí Anh là giáo viên của huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Ngày 9/9, mưa lũ kéo dài gây ngập lụt khắp mọi nơi, rắn rết bò vào nhà.
Một con rắn độc đã bò lên giường và cắn vào con gái anh, chỉ mới 4 tuổi. Trời mưa lũ, đường sạt lở nên gia đình anh Chí Anh phải nhờ lực lượng CSGT, quân đội và người dân địa phương băng bó rồi tăng bo, đưa cháu ra từng đoạn một để đưa về điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Dọc đường đi, anh thấy làng nước ngập trắng băng, nhấn chìm tất cả nên vội vàng dặn vợ ở lại cùng con rồi quay lại thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (một thôn gần như ngập hết hoàn toàn) để hỗ trợ các đoàn thiện nguyện bốc vác, chuyển đồ tiếp cho bà con nhân dân đến bà con mắc kẹt trên các nóc nhà.
"Mình vất vả nhưng nhìn bà con còn khổ hơn. Chỉ mong làm được việc gì cho bà con qua cơn hoạn nạn", thầy Anh chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận