Ngày 12/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức phát động đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Agribank và Bộ NN & PTNT đã ký kết Bản ghi nhớ triển khai chương trình hợp tác cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng thuộc đề án.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại lễ phát động đề án.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước xác định là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; trong đó, sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất trọng điểm, không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên gần đây, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải.
Tại hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2025. Với những bất cập về biến đổi khí hậu, thách thức về biến động thị trường và khó khăn về biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải "chuyển mình".
Từ bối cảnh trên, đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành với mục tiêu hình thành được một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, nâng cao hiệu quả thu nhập và đời sống của người trồng lúa…
Để cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế trong việc phát triển ngành lúa gạo gắn với giảm phát thải khí nhà kính, cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành trong đó có ngành ngân hàng. Agribank được Bộ NN & PTNT giới thiệu tham gia tài trợ vốn và cung ứng sản phẩm dịch vụ cho các đối tượng tham gia đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Agribank - 35 năm đồng hành cùng "tam nông".
Agribank sẽ tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng như: dịch vụ tiền gửi, dịch vụ tiền vay, dịch vụ tài chính… phù hợp với mục tiêu đề án cho các đối tượng tham gia.
Bộ NN & PTNT sẽ cung cấp thông tin về các đối tượng tham gia đề án và là đầu mối kết nối với các cơ quan, chính quyền địa phương phối hợp với Agribank tại nơi triển khai đề án để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển ngành lúa gạo.
Bản ghi nhớ giữa Agribank và Bộ NN & PTNT nhằm phát huy tốt vai trò của của mỗi bên để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xác định đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Agribank luôn nghiêm túc, triển khai quyết liệt, đồng bộ các chính sách tín dụng phục vụ "tam nông" và các chương trình tín dụng đặc thù.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang là khu vực có mức độ tăng trưởng tín dụng cao nhất của Agribank với doanh số cho vay đến 30/11/2023 đạt hơn 250 nghìn tỷ đồng. Đến nay, dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo tại khu vực này đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng với hơn 33 nghìn khách hàng; là khu vực cho vay ngành lúa, gạo lớn nhất cả nước với tỷ trọng 48%.
Agribank sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung có được nguồn tài chính bền vững cho phát triển kinh tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận