Poster bộ phim hài giả tưởng “The Interview” |
Thiệt hại 500 triệu USD
Hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo sẽ “đáp trả” đích đáng vụ Bình Nhưỡng tấn công mạng nhằm vào Hãng phim Sony Pictures. Đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp cáo buộc một nước khác tấn công mạng có quy mô lớn như vậy trên lãnh thổ nước này. FBI (Cục Điều tra liên bang Mỹ) xác định Triều Tiên đứng đằng sau các vụ tấn công.
Trước đó, hãng Sony Pictures hủy công chiếu bộ phim “The Interview” có nội dung liên quan tới âm mưu giả định ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung - un. Theo ông chủ hãng Sony Pictures - Michael Lynton, kế hoạch chiếu “The Interview” vào mùa phim Noel bị hủy bởi các hệ thống rạp nhận được những lời đe dọa của các tin tặc. Ông Lynton hy vọng sẽ có thể chiếu bộ phim này ở những nơi khác ngoài các rạp chiếu phim. Ước chừng, vụ tin tặc và việc hủy chiếu có thể khiến hãng Sony Pictures bị thiệt hại trên dưới 500 triệu USD. Đây là một bộ phim hài giả tưởng nói về một âm mưu ám sát lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Hôm nay (22/12), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) lần đầu tiên tổ chức cuộc họp xem xét đánh giá kỹ lưỡng tình hình nhân quyền của Triều Tiên. Theo thủ tục của LHQ, Triều Tiên có thể tham gia cuộc họp này và trình bày quan điểm của họ, tuy nhiên nước này đã từ chối. Cố vấn chính trị Kim Song thuộc Đoàn đại biểu Triều Tiên tại LHQ tuyên bố: “Chúng tôi không công nhận cuộc họp này. Chúng tôi không tham dự”. B.T |
Ngày 20/12, Thượng nghị sĩ John McCain xem cuộc tấn công tin học của Triều Tiên là một “hành động gây chiến”. Còn Thượng nghị sỹ Robert Medennez, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện yêu cầu Ngoại trưởng John Kerry đưa Triều Tiên vào danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố.
Giới chức Hàn Quốc cho biết các vụ tin tặc nhằm vào Sony Pictures có những điểm rất giống với những vụ tấn công vào các ngân hàng và truyền thông của Hàn Quốc năm ngoái, mà Bình Nhưỡng bị xem là thủ phạm. Seoul tuyên bố sẵn sàng cung cấp các thông tin liên quan đến cuộc tấn công tin học vào Sony và tăng cường hợp tác quốc tế để đối phó với những mối đe dọa này.
Về phần mình, hôm qua, Triều Tiên đề nghị mở một cuộc điều tra chung với Mỹ và khẳng định họ không phải thủ phạm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cũng cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” nếu Mỹ tiếp tục có những cáo buộc chống lại họ. Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Gia Song-nam trước đó cũng cáo buộc chính sách thù địch của Mỹ với mục tiêu nhằm xâm lược Triều Tiên.
Vũ khí mới của Bình Nhưỡng?
Hãng tin Reuters dẫn lời những người Triều Tiên đào thoát ra nước ngoài cho biết, bên cạnh hạt nhân, Bình Nhưỡng từ nhiều năm qua đầu tư rất nhiều vào công nghệ tin học. Vụ tin tặc tấn công hãng Sony Pictures có thể chỉ là một cuộc ‘’tập dượt’’. Giáo sư Kim Heung-kwan - người đã chạy trốn khỏi Triều Tiên cho biết, nhiều khả năng mục tiêu tin tặc hướng tới trong tương lai sẽ khiến tê liệt hệ thống viễn thông của các quốc gia mà Bình Nhưỡng cho là đối địch với họ, nhất là Mỹ và Hàn Quốc bị xem là có âm mưu đánh chiếm Triều Tiên.
Còn ông Jang Se-yul, từng theo học môn khoa học tin học tại Đại học quân sự Triều Tiên trước khi chạy sang Hàn Quốc cho biết, các tin tặc Triều Tiên vẫn tập tấn công vào các hệ thống điện lực. Cục 121, do Cơ quan Tình báo Triều Tiên quản lý, là một bộ phận quy tụ các chuyên gia tin học giỏi nhất, với nhiệm vụ chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tin học.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tin tặc đã trở thành vũ khí mới của Bình Nhưỡng sau hạt nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng, hiệu quả đáp trả của Washington với hành động tấn công mạng của Bình Nhưỡng hạn chế vì: Nền kinh tế của Triều Tiên nay vốn dĩ đã kiệt quệ có tăng cường trừng phạt cũng không nhiều tác dụng; Cơ sở hạ tầng Internet còn rất sơ khai, nước này tấn công thì dễ, còn các nước đáp trả thì lại khó.
Vụ tin tặc tấn công hãng Sony Pictures khiến quan hệ Mỹ - Triều Tiên vừa lắng dịu đã lại trở nên căng thẳng.
Thanh Huyền
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận