Bộ Công an vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024.
Theo điểm c khoản 1 Điều 5 của Thông tư mới, Bộ Công an quy định nội dung công khai của công an nhân dân trong công tác đảm bảo TTATGT gồm: Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, so với quy định trước đây, nội dung công khai "trang phục, số hiệu công an nhân dân" đã được loại bỏ.
Một điểm mới quan trọng khác, Thông tư 46/2024 bãi bỏ các nội dung công khai gồm: Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên (gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị, tuyến đường, các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý, thời gian thực hiện).
Ngoài ra, tại Điều 11 của Thông tư mới ban hành, quy định về hình thức giám sát của người dân trong công tác bảo đảm TTATGT cũng được thay đổi.
Cụ thể, theo quy định mới, người dân được giám sát thông qua 5 hình thức sau: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm TTATGT.
Việc giám sát phải đảm bảo các điều kiện gồm: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ở ngoài khu vực thực thi công vụ.
Điều này đồng nghĩa với việc, từ ngày 15/11 tới đây, hình thức giám sát lực lượng chức năng đang thực thi công vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình sẽ được loại bỏ.
Theo đại diện Cục CSGT, Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1/8/2023 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT cũng có nội dung đề cập đến quyền kiểm tra, yêu cầu xuất trình kế hoạch đối với lực lượng đang thực thi công vụ. Việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng.
Đối với người dân hay người vi phạm, bất kỳ ai cũng có quyền giám sát lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, có thể giám sát trực tiếp, qua báo chí hoặc thông qua thiết bị (ghi âm, ghi hình). Tuy nhiên, người dân chỉ được giám sát CSGT ở khu vực bên ngoài phạm vi làm việc của lực lượng tuần tra kiểm soát.
"Đặc biệt, việc giám sát của người dân không được gây cản trở, làm ảnh hưởng đến quá trình làm việc của người đang thực thi công vụ", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Mới đây, một quy định đáng chú ý cũng được Bộ Công an bỏ đề xuất liên quan đến mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo Cục CSGT, sau khi tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, nhà khoa học và người dân về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cơ quan soạn thảo đã đề xuất giữ nguyên mức xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm về nồng độ cồn như quy định tại Nghị định 100.
Trước đó, Ban soạn thảo đề xuất giảm mức phạt tiền còn từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng (thay vì 6-8 triệu đồng) với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận