Thời sự

Bổ sung 1.222 tỷ đồng vốn TPCP dư cho dự án cấp bách

13/12/2017, 11:15

Chính phủ đề xuất sử dụng bổ sung 1.222,05 tỷ đồng cho một số dự án quan trọng, cấp bách...

8

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Trình bày tờ trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị tổng số điều chỉnh giảm vốn kế hoạch TPCP hai giai đoạn là hơn 5.074  tỷ đồng và các bộ, địa phương đề nghị không cắt giảm 886,19 tỷ đồng, do còn nhu cầu sử dụng.

Cơ quan thẩm tra nhất trí về việc điều chỉnh giảm hơn 5.074 tỷ đồng chưa sử dụng hết, nhưng đề nghị cân nhắc với khoản 886,19 tỷ đồng, vì đây là số vốn đã hết thời gian cho phép theo quy định của Luật Đầu tư công, nếu tiếp tục kéo dài thời gian hoặc chuyển nguồn sang năm sau thì phải trình cấp có thẩm quyền cho phép.

Sau khi điều chỉnh giảm hơn 5.074 tỷ đồng nêu trên, Chính phủ đề xuất phương án sử dụng bổ sung cho một số công trình, dự án, trong đó đáng chú ý là bổ sung thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản 1.473,548 tỷ đồng; bổ sung 1.222,05 tỷ đồng cho một số dự án quan trọng, cấp bách; hơn 547 tỷ thanh toán một phần khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản và khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng của 3 dự án phục vụ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư năm 2015 đối với dự án đường 991B của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (800 tỷ đồng).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ không hài lòng về việc lập dự toán và phân giao vốn, vì rất nhiều khoản phải thu hồi do phân bổ vốn không có nhu cầu sử dụng hoặc chưa có dự án hợp lý để sử dụng, vốn không thể phân bổ vì bộ, ngành không có nhu cầu... Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải thích vì sao “công trình trọng điểm” nhưng triển khai chậm đến 2 năm - theo kế hoạch giao vốn từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lý giải lý do chậm là vào tháng 5/2015, TVQH đồng ý bố trí cho địa phương 800 tỷ đồng và tỉnh đã lo thủ tục ngay. Tuy nhiên, đến năm 2016, Luật Đầu tư công ra đời, nên toàn bộ thủ tục đã làm năm trước bỏ hết, làm lại từ đầu, đến tháng 8/2016, Thủ tướng mới phê duyệt chủ trương đầu tư, rồi thiết kế, dự toán đến đầu năm 2017 mới xong thủ tục. Khi đó, đến xin Bộ KH&ĐT thì Bộ trả lời vốn đó đến ngày 31/12/2016 là hết hạn, muốn cấp thì phải xin ý kiến của TVQH, nên phải chờ đến giờ mới trình lên.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc dự án chậm có nguyên nhân khách quan, nhưng “đổ thừa” đến giờ TVQH mới họp là không phải. “Hôm nay chúng tôi mới nghe, có ai báo cáo đâu. Nếu báo cáo cuối năm 2016 thì chắc giờ làm cũng gần xong rồi”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Giải trình thêm về việc phân giao vốn dẫn đến phải thu hồi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi giao vốn thì theo dự toán, nhưng thực tế triển khai thì qua đấu thầu lại thừa ra một ít, khi quyết toán lại thừa ra một ít, nên tổng hợp hết lại mới thành khoản khá lớn. Theo nguyên tắc thì số này phải thu hồi, nhưng có khoản này thì TVQH bố trí một phần giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn ứng trước kia để quyết toán cho bức tranh tài chính lành mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.