Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Ban QLDA 85 xác nhận với PV Báo Giao thông hôm nay (8/7).
Theo ông Long, qua kiểm tra, Ban QLDA 85 nhận thấy đây là đoạn đường gom ngắn, khối lượng và kinh phí không lớn, yêu cầu thực hiện của các hộ dân là cần thiết.
Tại vị trí này, người dân đồng thuận giải phóng mặt bằng (GPMB) thi công. Ban đề nghị địa phương sớm bàn giao mặt bằng sau khi được bàn giao hồ sơ và cọc GPMB trên hiện trường vào cuối tháng 7 để sớm thi công kéo dài đường gom.
Đại diện Ban QLDA 85 cho biết thêm, địa phương cũng kiến nghị bổ sung đường gom dân sinh tại Km 62+280 – Km 63+062,11 (bên phải tuyến). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện bổ sung đoạn đường gom nêu trên gặp khó khăn về nguồn vốn.
Đoạn tuyến cao tốc này được thiết kế dày đặc các hệ thống thoát nước. Khi đầu tư xây dựng bổ sung đường gom bên cạnh cũng cần phải đầu tư bổ sung hệ thống thoát nước phù hợp, nên đòi hỏi kinh phí lớn (khoảng 15 tỷ đồng).
Mặt khác, nền đường tuyến chính tại đây đắp cao, có thiết kế giật cấp. Quá trình thực hiện nhà thầu thi công có đắp nền đường cơ phía dưới cùng rộng hết phạm vi GPMB, rộng hơn hồ sơ thiết kế nền gần 3m...
Phạm vi đắp rộng thêm đã tạo thành con đường (nằm ngoài hàng rào) để vận chuyển vật liệu, xe tải có thể chạy được. Do đó hiện tại các hộ dân khu vực có thể đi lại qua con đường này.
Với các lý do nêu trên Ban QLDA 85 nhận thấy không cần bổ sung đường gom đối với vị trí này.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km đi qua 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa, sau thông xe đã khớp nối đoạn cao tốc kéo dài từ TP.HCM đi các tỉnh Nam Trung Bộ. Tuyến cao tốc này được đầu tư theo hình thức PPP do Liên danh Đèo Cả - Tổng công ty 194 là nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 8.925 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận