Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phiên họp - Ảnh: TTXVN |
Liên quan đến hình thức tố cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng là các phương thức thể hiện khác nhau của hai hình thức tố cáo mà dự thảo luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Hơn nữa, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước. Do đó, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung hình thức tố cáo bằng fax, thư điện tử, điện thoại.
Bên cạnh đó, một số thành viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, về hình thức tố cáo, dự thảo luật quy định có hình thức “trực tiếp” thì cần làm rõ trường hợp nào là “gián tiếp”. Vì nếu quy định không rõ, không đầy đủ về hình thức tố cáo sẽ làm hạn chế quyền tố cáo của công dân. Ngoài ra, việc bảo vệ người tố cáo mặc dù thuộc trách nhiệm cơ quan Nhà nước nhưng cũng phải quy định rõ ràng, phải có tính khả thi, cần có quy chế rõ ràng trong công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ người tố cáo.
Về quy định rút tố cáo, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng người tố cáo có thể rút toàn bộ hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi cơ quan có thẩm quyền ra kết luận nội dung tố cáo. Nhưng việc rút tố cáo không loại trừ trách nhiệm của người tố cáo trong trường hợp lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo. Trường hợp xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng việc rút tố cáo do bị đe dọa, ép buộc, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn được người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Với quy định về bảo vệ người tố cáo, dự thảo luật khẳng định quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo, người liên quan đến người tố cáo đều được pháp luật bảo vệ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, cần có những biện pháp tích cực, chủ động hơn để bảo vệ kịp thời, có hiệu quả quyền của người tố cáo.
Để vừa thực hiện chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ người tố cáo, vừa đảm bảo tính khả thi, trên cơ sở kế thừa luật hiện hành, dự thảo luật quy định người được bảo vệ bao gồm: Người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Bên cạnh đó, việc bảo vệ trong quá trình giải quyết tố cáo cần tập trung vào các biện pháp mang tính tức thời, khẩn cấp, chủ yếu trong trường hợp tính mạng, sức khỏe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận