Xã hội

Bổ sung quy định về livestream sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng

04/11/2022, 11:13

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước chưa có quy định pháp luật về việc quản lý hành vi livestream và mới đây đã bổ sung quy định này.

Quy định về hoạt động livestream sau vụ việc Nguyễn Phương Hằng

Tham gia phiên chất vấn sáng 4/11, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) đặt câu hỏi về nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) trong việc lúng túng, chậm xử lý những vi phạm trên mạng xã hội, điển hình là vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng.

Cá nhân này thường xuyên đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

img

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai)

Trả lời, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi xử lý vụ việc livestream của cá nhân Nguyễn Phương Hằng, lúc đó chưa có quy định pháp luật nào về việc quản lý hành vi livestream.

Vì vậy, xử lý vụ việc này phải theo thể chế cũ, xử phạt hành chính 2 lần và chuyển cho cơ quan hình sự, công an xử lý.

Sau những vụ việc này, Bộ đã đưa vào Nghị định 72 quy định rõ về hoạt động livestream.

Theo đó, hoạt động này chỉ những người được đích danh trên môi trường số mới được thực hiện, cá nhân phải công bố địa điểm, thời gian livestream và nếu dùng livestream để bán hàng phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.

img

Đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La)

Dự kiến thanh tra toàn bộ nhà mạng để đảm bảo an toàn dữ liệu

Đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) băn khoăn về khả năng đáp ứng yêu cầu của ngành với việc thực hiện đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, vị đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp chấm dứt tình trạng thu thập mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại với mục đích quảng cáo hàng hóa, dịch vụ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đáp ứng được hạ tầng viễn thông, internet cho người dân vùng sâu, vùng xa có thể dùng điện thoại, dùng internet để học tập. Hiện hệ thống cáp quang lắp đặt tại 93% thôn bản trong khi huyện, xã đạt tỷ lệ 100%.

"Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ cao như thế. Giá cả dịch vụ viễn thông, internet đang nằm trong top 20 nước rẻ nhất thế giới. Trung bình một người dân chỉ phải trả khoảng 55.000 đồng/tháng cho điện thoại và internet", Bộ trưởng TT&TT cho hay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ số đáp ứng được nền tảng, ứng dụng số cho ngành giáo dục, thậm chí đáp ứng "tốt, giá rẻ, phù hợp hơn nước ngoài". Số lượng doanh nghiệp số hiện nay tiến đến con số 75.000, cao hơn 35.000 doanh nghiệp so với thời điểm 4 năm trước.

"Hãy tin vào doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trao cho họ nhiều cơ hội hơn. Đây là một trong những cách để đất nước tự lực tự cường", Bộ trưởng nhấn mạnh.

img

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Về vấn đề dữ liệu cá nhân của người dùng, Bộ TT&TT dự kiến thanh tra toàn bộ nhà mạng viễn thông trong năm nay về hoạt động thu thập, xử lý, đảm bảo an toàn dữ liệu. Đến đầu năm sau sẽ triển khai thanh tra đến doanh nghiệp bưu chính và các mạng xã hội lớn.

Hiện Bộ Công an sắp hoàn thành xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, Bộ TT&TT đã tiến hành tăng mức phạt gấp 2 lần mang tính răn đe doanh nghiệp, cá nhân vi phạm việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, các quốc gia khác không có con số tuyệt đối mà dựa trên doanh thu. "Có nghĩa mức phạt lên tới 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp này kinh doanh, giàu có chủ yếu nhờ dữ liệu cá nhân", Bộ trưởng cho rằng cần xem xét lại mức phạt vi phạm.

Bộ TT&TT đang dự kiến và đề xuất Thủ tướng lấy năm 2023 làm năm dữ liệu số Việt Nam để nâng cao nhận thức.

img

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

Tình trạng quảng cáo sai sự thật trên mạng khá nhức nhối

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu việc hàng giả hàng nhái chào bán công khai trên Facebook và các mạng xã hội. Đồng hồ hàng hiệu trị giá hàng trăm triệu đến tỷ đồng, nhưng được chào bán với giá vài chục triệu đồng. Ông An cho rằng đây là vấn nạn cần siết chặt và xử lý, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp.

Bộ trưởng Hùng thừa nhận tình trạng quảng cáo sai sự thật khá nhức nhối hiện nay. Có tình trạng trang thông tin điện tử, báo điện tử bán các khoảng trống trên trang để quảng cáo nhưng buông quản lý, gần như doanh nghiệp quảng cáo gì cũng được.

Bộ TT&TT sửa các văn bản, nghị định, thanh tra, kiểm tra, thì các cơ quan báo chí, trang tin đã ý thức hơn. Việc quảng cáo sai trên các trang này cơ bản đã được xử lý. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo sai hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, với rất nhiều quảng cáo trái quy định pháp luật.

Về giải pháp, ông Hùng cho biết sẽ chính thức tổ chức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo. Thông tin quảng cáo sai sự thật, nhất là thực phẩm chức năng, cần xác minh quảng cáo đã đúng pháp luật chưa.

Bộ trưởng đề nghị bộ, ngành địa phương trong thẩm quyền của mình cùng rà soát không gian, lĩnh vực của mình, đánh giá, xử lý việc quảng cáo sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.