Trong số kinh phí bổ sung cho Bộ Y tế 1.740 tỷ đồng, có 1.237 tỷ đồng được dùng để mua vaccine Covid-19. Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay, ngân sách trung ương đã trích dự phòng gần 3 nghìn tỷ đồng, trong đó bổ sung 1.740 tỷ đồng kinh phí cho Bộ Y tế.
Trong số tiền bổ sung cho Bộ Y tế nói trên, kinh phí sử dụng mua vaccine là 1.237 tỷ đồng; Mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 503 tỷ đồng.
Còn lại 314 tỷ đồng là kinh phí hỗ trợ cho các địa phương kinh phí phòng chống dịch Covid-19.
Đối với ngành Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính cần bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19 để phòng chống dịch hiệu quả; Đồng thời điều hành quản lý ngân sách chủ động, linh hoạt, đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững, đặc biệt là đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế, làm tốt công tác chống buôn lậu, quản lý thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, ngân hàng, dự trữ quốc gia, quản lý nợ công,...
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn về trường hợp được chỉ định thầu khi mua sắm vật tư, thiết bị chống dịch Covid-19: Trong thời gian có dịch được cấp có thẩm quyền công bố, các địa phương được quyết định theo thẩm quyền việc thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuộc phạm vi quản lý để triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách.
Bộ Tài chính cũng hướng dẫn giá gói thầu phải được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Khi xác định giá gói thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau: Giá hàng hóa của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn; Dự toán mua sắm đã được phê duyệt; Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện; Giá thị trường tại thời điểm mua sắm; Giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trước đó không quá 30 ngày.
UBND các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, thất thoát ngân sách, tài sản của nhà nước; Không để xảy ra tình trạng thiếu sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận