Thị trường

Bộ Tài chính không đồng tình loạt kiến nghị của Ford, Toyota

21/11/2023, 10:51

Các kiến nghị của Ford, Toyota về việc giảm các điều kiện để linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu hưởng mức thuế 0% không được sự đồng tình của Bộ Tài chính.

Không ủng hộ kiến nghị giảm điều kiện về sản lượng 

Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Tại tờ trình này, Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm về kiến nghị của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và UBND tỉnh Hải Dương đề nghị xem xét kiến nghị của Công ty TNHH Ford Việt Nam về việc điều chỉnh giảm sản lượng của Chương trình ưu đãi thuế năm 2023.

Bộ Tài chính không đồng tình loạt kiến nghị của Ford, Toyota - Ảnh 1.

Nhà máy Ford Hải Dương được đầu tư mở rộng, nâng công suất lên 40.000 xe/năm.

Theo đó, Bộ Tài chính không ủng hộ kiến nghị giảm điều kiện về sản lượng của Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô.

Để tham gia chương trình ưu đãi thuế và được áp dụng mức thuế suất MFN 0% (thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi) đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công thương cấp và đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định (bao gồm điều kiện về linh kiện; điều kiện về mẫu xe; điều kiện về sản lượng; điều kiện về khí thải; điều kiện về kỳ xét ưu đãi; điều kiện về hồ sơ, thủ tục).

Trong đó, doanh nghiệp phải đạt đủ điều kiện về sản lượng (bao gồm sản lượng chung tối thiểu cho các loại xe và sản lượng riêng tối thiểu cho từng mẫu xe) theo quy định cho từng nhóm xe. 

Bộ Tài chính cho rằng việc quy định về điều kiện sản lượng là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi của chương trình nếu không đáp ứng điều kiện về sản lượng trong kỳ xét ưu đãi thuế (6 tháng hoặc 12 tháng).

"Điều kiện về sản lượng là điều kiện quan trọng và tiên quyết để doanh nghiệp đầu tư vốn, mở rộng sản xuất, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, qua đó góp phần đưa ngành công nghiệp ô tô theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước", Bộ Tài chính khẳng định.

Thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Vì thế, Bộ Tài chính cho rằng việc tiếp tục đề xuất giảm sản lượng của VAMA là chưa phù hợp với tình hình hiện nay.

Các kiến nghị về phụ tùng chưa phù hợp

Ngoài ra, Bộ Tài chính không đồng tình với kiến nghị bổ sung một số mặt hàng phụ tùng, linh kiện vào danh mục nhóm 98.49 để áp dụng mức thuế suất MFN 0% như đề nghị của Công ty ô tô Toyota Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, các mặt hàng tại nhóm 98.49 thuộc danh mục nhóm mặt hàng quy định cơ bản đều là các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được và hàm lượng khoa học công nghệ cao, chế tạo phức tạp để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, giảm giá thành sản xuất.

Liên quan đến phụ tùng, linh kiện Công ty Toyota đề nghị bổ sung vào danh mục nhóm 98.49, Bộ Tài chính cho biết có một số mã HS do Công ty ô tô Toyota Việt Nam đề xuất có mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Một số mã HS do Công ty ô tô Toyota Việt Nam đề xuất đã đưa vào nhóm 98.49. Do công ty chỉ đưa ra mã HS, không có miêu tả cụ thể hàng hóa nên Bộ Tài chính không có cơ sở để xem xét cụ thể đề xuất này.

Đối với mặt hàng nguyên liệu, vật tư, tiêu hao hoặc bộ phận linh kiện điện tử của xe ô tô (các loại ống, vít, bu lông, giá, khung, phụ kiện bằng sắt, thép hoặc kim loại cơ bản...), Bộ Tài chính đề xuất không đưa nội dung nhóm này vào nhóm 98.49 để được áp dụng mức thuế nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế.

Bởi vì đây là các mặt hàng cơ bản trong nước đã sản xuất được nên cần có chính sách bảo vệ sản xuất trong nước; đồng thời, các mặt hàng khó xác định được số lượng sử dụng trong quá trình sản xuất, lắp ráp xe ô tô để làm căn cứ cho việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi.

Như vậy, theo Bộ Tài chính, các mặt hàng mà Công ty Toyota kiến nghị hầu hết là các mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Hiện, danh mục nhóm 98.49 đã qua nhiều lần sửa đổi và cơ bản phù hợp với thực tiễn. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ không bổ sung thêm mặt hàng phụ tùng, linh kiện vào danh mục nhóm 98.49 để áp dụng mức thuế suất MFN 0% như đề xuất của Toyota.

Sẽ có nhiều doanh nghiệp không thưởng Tết?Sẽ có nhiều doanh nghiệp không thưởng Tết?

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các chuyên gia cho rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp không có thưởng Tết.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.