Xã hội

Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

10/11/2022, 11:41

Bộ Tài chính cho biết, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù và cần thiết nên trước mắt chưa bỏ công cụ này nhưng cần minh bạch trong sử dụng.

Giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là cần thiết

Bộ Tài chính vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi), trong đó nói rõ nguyên nhân giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

img

Bộ Tài chính cho biết, giữ lại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là cần thiết

Theo Bộ Tài chính, quy định lập Quỹ Bình ổn giá và Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn nhiều ý kiến khác nhau, ngay cả ở phiên thảo luận tại tổ. Một số ý kiến cho rằng nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu do không còn phù hợp với mục tiêu về bình ổn giá, không đảm bảo tính thị trường.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng vẫn nên tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo công cụ điều tiết nhất là khi xăng dầu có biến động bất thường thì việc sử dụng Quỹ sẽ giúp ổn định tâm lý của người tiêu dùng trong một giai đoạn.

Bên cạnh đó, đối với quy định chung về Quỹ Bình ổn giá tại Điều 22, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định chi tiết hơn về cơ chế quản lý, sử dụng, giám sát quỹ để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Bộ Tài chính cho biết, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, sau đó là Nghị định 83/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 95/2021/NĐ-CP.

Như vậy, khi Quốc hội thông qua Luật Giá 2012 đã có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Luật Giá (sửa đổi) cũng không quy định điều chỉnh trực tiếp về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng có quy định cơ chế chung về Quỹ Bình ổn giá cũng sẽ củng cố cơ sở pháp lý của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Tại dự thảo gửi lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng, có đề nghị rà soát đánh giá để xem xét sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; đến nay cũng còn ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh giai đoạn vừa qua khi giá xăng dầu thế giới có nhiều biến động, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá, không để giá xăng dầu trong nước tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát kỳ vọng, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

Vì vậy, xuất phát từ thực tiễn và ý kiến của một số Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng quỹ.

"Trên cơ sở đó, tại Luật đã điều chỉnh, đưa biện pháp lập Quỹ Bình ổn giá trong nhóm biện pháp bình ổn giá có thời hạn để quy định một điều riêng (điều 22) để đảm bảo cơ sở pháp lý cho Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trên cơ sở quy định chung tại Điều 22, đối với từng quỹ được thành lập (như Quỹ Bình ổn giá xăng dầu) sẽ có các quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng, theo dõi, giám sát, công khai, minh bạch quỹ bình ổn giá cho phù hợp với tính chất của hàng hóa, dịch vụ được lập quỹ (như tại nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP)", Bộ Tài Chính nêu rõ.

img

Tại phần thảo luận của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, một số đại biểu đề nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Đề nghị có cơ chế kiểm soát chương trình bình ổn giá

Báo cáo tiếp thu giải trình của Bộ Tài chính cho biết: Đa số Đại biểu nhất trí về quy định tại Điều 21 về chương trình bình ổn giá của địa phương, nhưng có một số ý kiến đề nghị phải có cơ chế kiểm soát để tránh tình trạng triển khai thực hiện không đồng bộ, thậm chí lợi dụng để trục lợi bằng cách mua hàng ở địa bàn bình ổn giá về địa bàn không bình ổn giá để kiếm lời.

Có ý kiến cho rằng nên bổ sung cơ chế cho phép địa phương được hỗ trợ lãi suất khi thực hiện các chương trình bình ổn giá thị trường Tết để thuận lợi cho các đơn vị triển khai.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại dự thảo Luật thì khi một hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động trên phạm vi rộng thì trách nhiệm triển khai bình ổn giá là của bộ, ngành và trong trường hợp này các biện pháp bình ổn giá sẽ được thực hiện thống nhất trên cả nước hoặc một vùng địa bàn.

Tại dự thảo Luật quy định là “Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh xây dựng và áp dụng chương trình bình ổn giá thị trường trên địa bàn tỉnh trong các giai đoạn nhằm ổn định giá cả thị trường". Trong trường hợp này có tính địa bàn của từng địa phương, theo đó tùy thuộc vào khả năng và bối cảnh thực tế để quyết định các biện pháp phù hợp.

"Như vậy, tinh thần đặt ra là không phải triển khai đồng bộ, thống nhất trên tất cả các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để có quy định điều chỉnh trường hợp lợi dụng theo hướng có quy định giới hạn các đối tượng mua với số lượng lớn để bán lại kiếm lời tại Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật", Bộ Tài chính nêu.

Đối với đề nghị bổ sung cơ chế hỗ trợ lãi suất, cơ quan soạn thảo thấy rằng nếu có quy định trong Luật cơ chế này sẽ rất thuận lợi cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá các dịp lễ, Tết; tăng cường tính hiệu quả của công tác bình ổn giá.

Tuy nhiên, do việc có hỗ trợ lãi suất sẽ liên quan đến ngân sách nhà nước được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước. Ngoài ra, một mặt việc quy định cứng tại Luật sẽ có thể phù hợp với địa phương này nhưng không phù hợp với địa phương khác; một mặt trong thực tiễn đã có nhiều địa phương triển khai chương trình theo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo xin được tiếp tục nghiên cứu ý kiến này trong quá trình phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để làm rõ cơ sở pháp lý, thực tiễn và báo cáo xin ý kiến Quốc hội.

Về danh mục bình ổn giá, theo luật hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc điều chỉnh danh mục này. Nhưng ở lần sửa này dự thảo luật chỉ nêu nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết và điều chỉnh danh mục.

Thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình và đề nghị vẫn thực hiện như luật hiện hành.

Giải trình nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện Bình ổn giá phải mang tính chất thời điểm khi hàng hóa dịch vụ có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lợi ích của các tổ chức cá nhân, mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát,… do vậy cần phải được thực hiện kịp thời, nhanh, đáp ứng yêu cầu điều hành, quản lý.

Trong thực tế đã có trường hợp khi có phát sinh mặt hàng có biến động lớn cần phải có biện pháp bình ổn giá nhưng không thực hiện được vì không nằm trong danh mục.

Việc giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định danh mục và điều chỉnh danh mục sẽ tạo điều kiện cho việc điều hành linh hoạt, triển khai kịp thời các biện pháp bình ổn giá nhằm xử lý những vấn đề phát sinh đối với công tác bình ổn giá. Việc triển khai bình ổn giá là một nhiệm vụ về điều hành cụ thể nên việc giao cho Chính phủ là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.