Dự án lấn biển vi phạm quy định
Du lịch có vai trò quan trọng, là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch biển.
Khu vực chân cừ của Dự án Khu đô thị Phương Đông vi phạm lấn biển
Lượng khách kéo đến các khu du lịch biển ngày một đông, chính vì thế, các dự án du lịch, nghỉ dưỡng lấn biển ngày càng thu hút đầu tư.
Được biết, tỉnh Khánh Hòa giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích 31.187,3m2 "đất ở không hình thành đơn vị ở".
Trong số đó có 22 (17 dự án đã được giao đất và 5 dự án đã được duyệt nhưng chưa giao đất) dự án đã được tỉnh này cấp đất sai quy hoạch từ đất thương mại dịch vụ thành “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
Cá biệt như dự án Khu du lịch giải trí Nha Trang (UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Cty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang chuyển 254.714m2 đất sản xuất kinh doanh sang đất ở không hình thành đơn vị ở tại xã Phước Đồng, Nha Trang...
Dự án The Arena (tên gọi cũ là Khu du lịch nghỉ dưỡng Trần Thái Cam Ranh) do Công ty CP Trần Thái Cam Ranh đầu tư tại Lô D14d, TT9b, TT13 Khu du lịch bắc Bán đảo Cam Ranh.
Dự án Cam Ranh City Gate của Công ty CP Câu lạc bộ Du thuyền và khu nghỉ dưỡng Cam Ranh. Dự án này có đất ở không hình thành đơn vị ở (40ha và 7ha mặt nước)...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít dự án đã xảy ra sai phạm, tác động ngược đến quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Đơn cử như Khu đô thị Phương Đông do Công ty CP Đầu tư xây dựng Phương Đông (Công ty Phương Đông) làm chủ đầu tư.
Đây là dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở giáp biển tại huyện Vân Đồn với diện tích 178ha.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 (năm 2020), lực lượng chức năng phải căng mình chống dịch, chủ đầu tư dự án khu đô thị Phương Đông đã ngang nhiên đổ hàng chục nghìn khối đất đá lấn chiếm vịnh Bái Tử Long.
Sau khi phát hiện sự việc, UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư là Công ty Phương Đông 100 triệu đồng vì hành vi lấn, chiếm, san lấp mặt bằng trên diện tích đất nằm ngoài ranh giới đã được giao đất.
Trước đó 1 năm (khoảng 2019), Cụm Dịch vụ ga Cáp Treo và Thủy cung Hòn Ngưu, Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) cũng được phát hiện vi phạm lấn biển.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đã cho doanh nghiệp thuê 16,7 ha đất để làm dự án. Công ty Cáp treo sử dụng một phần diện tích 1.848 m2 là lấn chiếm, sử dụng làm nhà ga cáp treo.
Theo kết luận thanh tra của tỉnh, Công ty cáp treo lấn chiếm, sử dụng trái phép, tự lấp biển và tự xây dựng diện tích này.
Dự án căn hộ du lịch tại Khánh Hòa trái quy định
Bên cạnh tình trạng lấn biển, là tình trạng xây dựng dự án căn hộ du lịch (condotel) "trên đất ở không hình thành đơn vị ở" trái quy định của pháp luật, mà nổi lên là tỉnh Khánh Hoà.
Theo đó, "đất ở không hình thành đơn vị ở" không có trong Luật Đất đai, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn cấp đất ở không hình thành đơn vị ở cho hàng loạt doanh nghiệp (DN) tại 50 vị trí trong 3 năm liên tục từ 2016 - 2018. Cũng chính vì không có quy định, nên hệ lụy là hàng loạt dự án căn hộ du lịch (condotel) “bế tắc” giao dịch, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước, kết luận của Thanh tra Chính phủ, tháng 4/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa giao các sở chức năng đề nghị chủ đầu tư các dự án điều chỉnh loại "đất ở không hình thành đơn vị ở" trở lại là đất thương mại, dịch vụ.
Thế nhưng, cho đến nay vẫn còn 17 dự án có "đất ở không hình thành đơn vị ở" chây ỳ trong việc thực hiện chuyển đổi.
Vừa đây (23/2), cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa tiếp tục làm việc, đề nghị chủ đầu tư 17 dự án chưa chịu điều chỉnh “đất ở không hình thành đơn vị ở” chuyển lại thành đất thương mại, dịch vụ đúng quy hoạch và Luật Đất đai.
Không hợp thức hoá sai phạm
Trong góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, luật cần kịp thời gỡ vướng cho condotel. Bởi bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng: Căn hộ du lịch (condotel), nhà phố du lịch (shoptel)... đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi Luật Đất đai 2013 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về khái niệm, chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất hay cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với loại hình bất động sản này.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung quy định liên quan đến loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Đơn cử như quy định về đất phát triển các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng mới thuộc các trường hợp Nhà nước cho thuê đất. Ngoài ra, cần cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác trên đất thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định, condotel không làm ảnh hưởng đến sửa Luật Đất đai lần này. Nhà nước đã quy định, đất thương mại dịch vụ 50 năm và được cấp sổ theo thời gian đó. “Địa phương nào muốn tận thu đưa đất thương mại dịch vụ sang đất ở cần phải xem xét lại. Chúng ta không nên đưa cái sai để hợp thức hoá cái sai”.
Tương tự đối với vi phạm của dự án lấn biển, tại buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; nghị định quy định lấn biển, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát rất kỹ cơ sở pháp lý, thực tiễn triển khai các dự án lấn biển thời gian qua. Từ đó hoàn thiện dự thảo nghị định trên tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thực hiện việc phân cấp gắn với các tiêu chí chặt chẽ và cơ chế kiểm soát, giám sát thực hiện. Bảo đảm chặt chẽ, tương thích với các luật có liên quan như: Luật Đất đai, Luật Tài nguyên, môi trường biển…
Đặc biệt, ông lưu ý: "Nghị định không được hợp thức hóa những dự án vi phạm, như sai quy hoạch, sai thẩm quyền, không đúng trình tự thủ tục và các quy định pháp luật chuyên ngành. Đồng thời tạo thuận lợi nhất cho những dự án triển khai theo đúng trình tự, thủ tục".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận