Hút thuốc lá có thể giảm 10 năm tuổi thọ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Mỹ, Canada và Anh, để xác định chính xác những nguy hiểm của việc hút thuốc và những lợi ích của bỏ hút thuốc, đã xác định, một người nghiện thuốc có thể mất đến 10 năm của cuộc sống.
Trong khói thuốc lá chứa khoảng 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Ảnh minh họa: Tạ Hải
Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Y học New England. Cụ thể, người hút thuốc có tuổi thọ thấp hơn ít nhất 10 năm so với người không hút thuốc.
Trong đó, số năm tuổi bị “hóa” theo khói thuốc là khoảng 12 năm ở nam giới và 11 năm ở nữ giới.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học thu thập dữ liệu của hơn 217.000 người trưởng thành tại Mỹ.
Trong số những dữ liệu này, họ đã phát hiện ra rằng, tỷ lệ tử vong của một người hút thuốc lá cao hơn 3 lần so với người không hút thuốc.
Phần lớn các trường hợp tử vong do các bệnh liên quan trực tiếp đến hút thuốc. Nghiên cứu cũng xác định rằng, những người không hút thuốc có khả năng sống đến 80 tuổi. Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến người già, mà còn ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi trung niên.
Theo Ths. Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng phòng Y tế Dự phòng, Cục Y tế GTVT, trong khói thuốc lá chứa khoảng 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư.
Đáng lo ngại, 2 trong số những chất độc này là carbon monoxide (khí CO), khi hấp thụ vào máu sẽ gắn kết rất chặt với hemoglobine trong hồng cầu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, giảm nồng độ oxy trong máu, làm máu đặc hơn và làm tăng gánh nặng cho tim.
Khí CO góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch, đồng thời làm giảm sự hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và điều chỉnh cơ thể, liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề tuần hoàn khác.
Thứ hai là hắc ín. Chất độc này là sự tập hợp của rất nhiều chất hóa học và phụ gia, được tạo thành từ chất lắng lại của khói thuốc. Đây là một trong những sản phẩm phụ nguy hiểm nhất của khói thuốc lá, chứa rất nhiều chất gây ung thư và các bệnh về phổi.
Bỏ thuốc lá ngay trước khi quá muộn
Theo bà Minh Thu, hút thuốc sẽ làm tăng khả năng đột quỵ lên 2-4 lần. Đột quỵ có thể gây tổn thương não và tử vong. Ngoài ra, các hóa chất trong khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, gây xơ vữa động mạch, khiến lòng mạch hẹp hơn, giảm lưu lượng máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông...
Để từng bước bỏ dần thói quen hút thuốc lá, người hút thuốc cần phải quyết tâm thực hiện các biện pháp cai thuốc như: Không nên hút thuốc ở những nơi công cộng, nơi có đông người qua lại, nơi làm việc, trường học, trong quán ăn, quán cà phê, khu vui chơi, trên xe, tàu, nơi tiếp khách... đặc biệt ở nơi có phụ nữ mang thai và trẻ em; không được bỏ tàn thuốc bừa bãi...
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế
Chỉ cần hút từ 5 điếu thuốc trở xuống mỗi ngày cũng có thể phát triển các dấu hiệu sớm của bệnh tim mạch. “Hút thuốc lá làm giảm mật độ xương, khiến xương yếu và dễ gãy hơn. Hút thuốc cũng có thể làm chậm quá trình liền xương sau khi bị gãy xương.
Đây là ảnh hưởng trực tiếp của việc hút thuốc và các yếu tố nguy cơ khác phổ biến ở những người hút thuốc như trọng lượng cơ thể thấp hơn”, bà Thu khuyến cáo.
Bộ Y tế đánh giá, dù các cảnh báo về bệnh tật do hút thuốc lá rất đáng sợ, nhưng may mắn là nếu bỏ thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ bệnh tật và tử vong. Nguy cơ càng giảm khi thời gian cai hút thuốc càng lâu.
Một số nghiên cứu thấy rằng, những người đã ngừng hút thuốc trong thời gian theo dõi, có thể kéo dài tuổi thọ. Trong đó, những người bỏ hút thuốc từ 25 - 34 tuổi, từ 35 - 44 tuổi và từ 45 - 54 tuổi tương ứng với việc sống thêm được 10, 9 và 6 năm tuổi thọ.
Bỏ thuốc lá trước 40 tuổi làm giảm nguy cơ tử vong vì bệnh liên quan đến hút thuốc khoảng 90%.
Theo Bộ Y tế, những con số sau đây chứng minh cho những lợi ích sức khỏe nhờ bỏ hút thuốc lá: Cụ thể, sau 1 năm bỏ thuốc, nguy cơ bị đau tim giảm mạnh; trong vòng 2-5 năm, nguy cơ bị đột quỵ giảm xuống còn một nửa so với người không hút thuốc; Ung thư, nguy cơ ung thư miệng, họng, thực quản và bàng quang giảm một nửa trong vòng 5 năm sau khi bỏ thuốc và 10 năm đối với ung thư phổi.
“Ngay sau khi bỏ thuốc, chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện đáng kể nhờ vào những cải thiện sức khỏe như: Thở trở nên dễ dàng hơn; Ho và thở khò khè hàng ngày giảm sau đó biến mất; Khứu giác trở nên tốt hơn; Tập thể dục và các hoạt động trở nên dễ dàng hơn; Tuần hoàn đến bàn tay và bàn chân được cải thiện”, Bộ Y tế nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận