Tin giả, tin sai sự thật gây hậu quả khôn lường
Chiều 12/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT&TT). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Cùng tham gia thông tin, giải trình với Bộ trưởng TT&TT, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang làm rõ về một số hậu quả, hệ lụy liên quan đến tin giả, tin sai sự thật.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định tin giả, tin sai sự thật gây hậu quả khôn lường, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội, thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trên mạng xã hội hiện nay như: Hành vi gây tạo dựng làm tán phát, đăng tải, chia sẻ, lưu trữ tin giả, tin sai sự thật; xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết; xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín của các tổ chức, cá nhân… thông tin giả, sai sự thật nhằm để câu view, câu like thậm chí trục lợi, lừa đảo.
Bộ trưởng Bộ Công an nhận định, hành vi lợi dụng chức năng phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội để phát ngôn, tuyên truyền những nội dung chứa tin giả, tin sai sự thật có tác động tiêu cực đến tâm trạng xã hội và tình hình an ninh trật tự.
Hệ lụy của tin giả cũng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đặc biệt với thị trường chứng khoán, bất động sản, tài chính, nhà đất… rất rõ nét.
"Có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán", Bộ trưởng Lương Tam Quang nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng còn nổi lên một số hành vi đáng chú ý khác như hành vi lập sử dụng hội nhóm tiêu cực tác động gây nhận thức lệch lạc, kích động những hành vi lệch chuẩn, bạo lực, cổ súy những hủ tục, mê tín dị đoạn, đồi trụy…
Cùng với đó là hành vi tạo lập hội nhóm để thông tin đối phó, kích động, phản kháng chống đối lại lực lượng chức năng.
"Qua công tác đảm bảo an ninh trật tự, chúng tôi tập trung vào các hội nhóm như "báo chốt 141", "thông chốt kiểm soát nồng độ cồn, bắn tốc độ" hoặc đối phó với lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông", Bộ trưởng Lương Tam Quang thông tin.
Bên cạnh đó, còn có hành vi tạo lập các hội nhóm để mua bán ngoại tệ, tiền giả, giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả, mua bán ma túy, vũ khí và vật liệu nổ…
Bộ Công an sẽ xây dựng luật về phòng, chống tin giả
Nêu giải pháp, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho hay, phải nắm tình hình, đấu tranh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mạng xã hội.
Trong đó, các đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo Nghị định của Chính phủ và các điều của Bộ Luật Hình sự.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua chúng ta đã xử phạt thông tin sai sự thật, "bóc phốt", nói xấu... Trong đó, mức phạt đối với Việt Nam là cao nhưng so với các nước là thấp, từ 5-10 triệu đồng, bình thường hay lấy ở mức giữa là khoảng 7,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thiếu quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Chẳng hạn, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng, trong khi đó chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Do vậy, Bộ trưởng kiến nghị xử lý theo hướng không cần xem xét đến hậu quả xảy ra đối với những hành vi này để đủ sức răn đe.
Giải pháp khác được Bộ trưởng nêu ra là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tin giả, tin sai sự thật.
Đồng thời, tuyên truyền định hướng dư luận ý thức cảnh giác của người dân, nhất là những người sử dụng mạng xã hội để tạo ra được sức đề kháng đối với tin giả, tin sai sự thật, nhất là những thông tin xuyên tạc, kích động để đấu tranh vạch trần thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, mạng xã hội.
"Thời gian qua, Bộ Công an khi hợp tác trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước đều thống nhất đấu tranh và hợp tác chia sẻ thông tin, nguyên tắc không để cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào có hành vi đưa thông tin giả, tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân của nước khác", Bộ trưởng Lương Tam Quang thông tin.
Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, vừa qua Bộ Chính trị đã kết luận giao cho Bộ Công an làm luật về phòng, chống tin giả, tới đây, những vấn đề cơ bản về mặt thể chế sẽ được giải quyết ở luật này.
Thu được hơn 20.000 tỷ đồng tiền thuế từ các mạng xã hội
Trước đó, tham gia chất vấn Bộ trưởng TT&TT, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng cho biết việc quản lý và kiểm soát nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về pháp lý và công nghệ.
"Bộ TT&TT có kế hoạch gì để tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm nhằm để nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia trên không gian mạng", ông Hùng chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về quy định pháp lý giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, qua nhiều năm làm việc, Bộ TT&TT đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, như tăng tỉ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10-20% năm 2018 đến nay là tỉ lệ trên 95%, thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng, trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng.
Đồng thời gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.
Các nền tảng mạng xã hội cũng đã chủ động hơn trong việc rà soát và gỡ bỏ nội dung vi phạm như cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng trẻ em, khủng bố...
Đặc biệt nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ TT&TT về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tuân thủ luật pháp của Việt Nam trong những hợp đồng với khách hàng.
Cùng với đó, các mạng xã hội đã đóng thuế tại Việt Nam được 2,5 năm. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta đã thu được khoảng trên 20.000 tỉ đồng và tăng khoảng 6 lần so với những năm trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận