Sinh viên sư phạm thực tập tại một trung tâm ngoại ngữ - Ảnh: Tạ Tôn |
Thay vì miễn học phí sẽ được vay tín dụng
Chiều qua (12/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm đã thực hiện được 20 năm, thể hiện quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, trong một thời gian dài, chính sách trên đã thu hút rất nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm. Nhờ chính sách trên mà con em nhiều gia đình khó khăn đã được đến trường, bớt đi phần gánh nặng cho gia đình, xã hội và sau đó trở thành những giáo viên giỏi, có nhiều cống hiến cho giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi. Số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm.
“Vì vậy, học sinh, sinh viên sư phạm cũng cần đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành học khác. Tuy nhiên, để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sư phạm, dự thảo luật quy định về tín dụng sư phạm và quy định sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với nội dung sửa đổi chính sách đối với sinh viên sư phạm để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành Giáo dục. Thường trực Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học, đồng thời bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí.
Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao vào cuối tháng 10
Trước đó, sáng cùng ngày, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 22 của Ủy ban TVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp, Ủy ban sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật; tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét việc cho thôi nhiệm vụ với ông Ngô Đức Mạnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận), đã được phân công nhiệm vụ làm Đại sứ tại Liên bang Nga.
5 dự án luật được cho ý kiến lần này gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, chương trình phiên họp 22 có sự điều chỉnh so với dự kiến. Theo đó, không có nội dung cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành vào Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Ngoài ra, có 3 dự án được rút ra khỏi chương trìnhh phiên họp do chưa đảm bảo chất lượng chuẩn bị là Luật Cảnh sát biển, Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). “Dự án luật PCTN sau khi thẩm tra cho thấy chưa bảo đảm trình phiên họp này vì còn lấy thêm ý kiến của một số cơ quan chức năng”, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm.
Theo chương trình, phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chia làm 2 đợt. Đợt 2 diễn ra từ ngày 19-20/3. Đặc biệt, đợt làm việc này sẽ có nội dung tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 2 Bộ trưởng: Tư pháp và Khoa học & Công nghệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận