Hạ tầng

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Năm 2030 sẽ có 5.000 km đường cao tốc

Chính phủ quyết tâm trong 10 năm tới sẽ phát triển thêm 3.000km đường cao tốc để đến năm 2030, có được 5.000km đường cao tốc.

img
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Chiều 10/11, tiếp tục kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã dành thời gian trao đổi với Báo Giao thông về việc thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, được nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011- 2020) và xây dựng Chiến lược 10 năm (2021- 2030).

Hình thành nhiều công trình hiện đại, đồng bộ

Dự thảo đã chỉ rõ, một trong 3 đột phá chiến lược là tập trung các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với các công trình hiện đại, nhất là hệ thống giao thông đã đạt được những kết quả to lớn. Xin Bộ trưởng cho biết, những công trình đã được xây dựng góp phần làm tăng khả năng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế ra sao?

Trong 10 năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông có bước tiến lớn. Có hai cảng biển lớn đã được đầu tư đưa vào khai thác là cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Lạch Huyện. Ngành hàng không đã có sự phát triển đột phá, đã nâng cấp CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các nhà ga khác.

Về đường bộ, từ chỗ chưa có km đường cao tốc nào, trong 10 năm qua, với nỗ lực lớn, đầu tư bằng nhiều hình thức, đến thời điểm này đã có hơn 1.100km đường cao tốc. Vào năm 2023, với số km đường cao tốc đang xây dựng và sắp triển khai, sẽ có thêm khoảng 2.000km đường cao tốc.

Về đường thủy nội địa cũng đã hình thành nên hệ thống trục sông Hồng ở miền Bắc và sông Mê Kông, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ ở miền Nam, góp phần tăng cường phát triển vận tải thủy, giảm chi phí logistics, giảm tải cho đường bộ.

Trong 5 lĩnh vực của ngành GTVT, trừ đường sắt, 4 lĩnh vực còn lại đều có sự thay đổi lớn. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, mặc dù kết quả còn khiêm tốn nhưng đây cũng là những thành tựu to lớn.

Cũng theo dự thảo, hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển... Để khắc phục tồn tại nêu trên, cần có những cơ chế, chính sách như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Đúng như dự thảo đã nêu, mặc dù đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng so với yêu cầu vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là trong 5 - 10 năm tới phải hình thành nên những dự án hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực hiện chủ trương nêu trên, Bộ GTVT đã có nhiều cuộc họp với chuyên gia, đơn vị xây dựng kế hoạch trong 5 - 10 năm tới làm sao cụ thể hóa được Nghị quyết Đại hội Đảng, đặc biệt là những nội dung văn kiện đã nêu.

Đối với đường sắt, hiện nay hệ thống còn rất lạc hậu. Khắc phục tình trạng này, trong năm 2019, Bộ GTVT đã trình dự án tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao. Chính phủ đang giao cho Hội đồng thẩm định Nhà nước tiến hành thẩm định trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn nước ngoài thẩm tra lại dự án.

Trong 5 năm tới, Bộ GTVT quyết tâm tham mưu cho Chính phủ để dự án tiền khả thi để trình Quốc hội thông qua. Khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ tập trung vào đấu thầu lập dự án để tạo tiền đề cho các bước tiếp theo.

Quyết tâm phát triển đường cao tốc

img
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây

Dự thảo cũng chỉ rõ, việc đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thuỷ; Đến năm 2020 có khoảng 1.400km đường cao tốc, chưa đạt mục tiêu đề ra… Để giải quyết tình trạng này, chúng ta cần phải làm gì?

Về đường bộ, đến thời điểm này chúng ta không đạt được mục tiêu đã đề ra là tới năm 2020 có được 2.000km đường cao tốc. Tuy nhiên, với nền tảng hiện nay, với các dự án vừa mới khởi công, Chính phủ quyết tâm trong 10 năm tới sẽ phát triển thêm 3.000km đường cao tốc để đến năm 2030, có được 5.000km đường cao tốc.

Trong 5 năm tới, Bộ GTVT sẽ tập trung vào một số dự án đường cao tốc trọng điểm như hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Đây là tuyến cao tốc song song với QL1A, khi hoàn thành sẽ liên kết được với nhiều cảng biển. Bên cạnh đó, ở khu vực phía Bắc sẽ nghiên cứu lại hệ thống đường cao tốc kết nối giữa Hà Nội và Hải Phòng để tạo hệ thống cao tốc thông suốt với cảng Lạch Huyện.

Ở phía Nam, Bộ GTVT sẽ tập trung nghiên cứu khu vực Nam bộ và xung quanh TP HCM để hình thành hệ thống đường cao tốc, đường vành đai, trong đó có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để đưa hàng hóa khu vực miền Đông Nam bộ xuống thẳng cảng Cái Mép - Thị Vải. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để huy động các nguồn lực, kể cả vốn ngân sách Nhà nước và vốn PPP để khai thác có hiệu quả cảng Cái Mép - Thị Vải.

Tại khu vực miền Trung, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu để 3 hệ thống cảng lớn là Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng và Bình Định cùng hệ thống cảng dọc theo bờ biển phải có đường kết nối với cao tốc Bắc - Nam. Sẽ có một số đường quốc lộ và hệ thống đường cao tốc kết nối với Tây Nguyên và phía Tây của hai nước Lào và Campuchia. Trong 10 năm tới, hệ thống cảng biển sẽ được kết nối với đường giao thông để khai thác tốt hơn.

Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước

Còn đối với lĩnh vực hàng không thì chiến lược sẽ được xác định thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ GTVT sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống sân bay hiện có như sân bay Nội Bài, dự kiến trong 10 năm tới sẽ nâng công suất lên 100 triệu khách/năm. Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ nâng cấp đảm bảo 50 triệu hành khách/năm, đến năm 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành với công suất 25 triệu hành khách/năm. Ở khu vực miền Trung sẽ tập trung phát triển sân bay Đà Nẵng và sân bay Cam Ranh...

Nhu cầu hàng không còn rất lớn, Bộ GTVT ủng hộ phát triển sân bay ở những khu vực có khách du lịch lớn như SaPa (Lào Cai), Vân Đồn (Quảng Ninh) nếu nhà đầu tư trình được phương án khả thi và năng lực tài chính.

Trong giai đoạn 5 - 10 năm tới là giai đoạn quyết định. Nếu chúng ta muốn kinh tế tăng tốc phát triển thì hạ tầng giao thông phải phát triển đi trước một bước. Bộ GTVT sẽ nỗ lực tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội bằng những dự án cụ thể trên thực tế, góp phần cho các vùng miền phát triển đột phá.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, theo Bộ trưởng, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cần được triển khai ra sao, với cách thức nào?

Việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngân hàng thương mại hiện nay chủ yếu cho vay ngắn hạn, vấn đề này cần có sự phối hợp tháo gỡ.

Chúng tôi đang tham mưu với Chính phủ giải pháp đề nghị Quốc hội cho tăng trần nợ công, nhưng việc tăng này chỉ tập trung vào cho vay đầu tư hạ tầng, sau đó Nhà nước thu thuế, phí.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ có thể phát hành trái phiếu công trình các dự án giao thông quan trọng với lãi suất hợp lý. Như vậy, chúng ta sẽ có nguồn lực tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Cuối cùng là các thủ tục. Hệ thống thông tư, nghị định cùng với hệ thống luật liên quan đến đầu tư giao thông hiện còn nhiều bất cập, cần rà soát, cắt giảm để tạo điều kiện khi có nguồn vốn thì có thể đầu tư dự án một cách nhanh nhất có thể.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.