Quản lý

Bộ trưởng Bộ GTVT: Phải “sốt ruột” hơn nữa với giải ngân vốn giao thông

29/10/2021, 06:00

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải “sốt ruột” hơn nữa với công tác giải ngân, bởi nhiệm vụ trong giai đoạn tới là rất nặng nề.

Tính đến hết tháng 9, Bộ GTVT đã giải ngân hơn 26.000 tỷ đồng, đạt khoảng 62% kế hoạch cả năm (tỷ lệ giải ngân chung của cả nước chỉ khoảng 47%). Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải rốt ráo hơn, bởi nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề.

“Điểm danh” đơn vị giải ngân chậm

img

Kết quả giải ngân dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cơ bản đáp ứng kế hoạch (Trong ảnh: Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 đang giải ngân vượt 140 tỷ đồng). Ảnh: Phúc Tuấn

Mở đầu buổi họp giao ban công tác tháng 10, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 của Bộ GTVT diễn ra ngày hôm qua (28/10), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đại biểu dự họp đi thẳng vào những vấn đề cần tháo gỡ, đặc biệt tập trung cho công tác giải ngân xây dựng cơ bản.

“Dù Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc hàng ngày, hàng tuần, nhưng công tác giải ngân xây dựng cơ bản tháng 10 chưa đạt yêu cầu. Tốc độ giải ngân của tháng 10 chậm”, Bộ trưởng nói và cho biết, tính chung 10 tháng đầu năm 2021, mới giải ngân đạt hơn 67%, cao hơn cuối tháng 9 khoảng 5%.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, dự kiến tháng 10/2021, Bộ GTVT giải ngân 2.204 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng giải ngân được hơn 29.100 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước giải ngân được hơn 26.300 tỷ đồng, đạt 68,4%; vốn nước ngoài đạt hơn 2.700 tỷ đồng, đạt 56,7%.

“Kết quả giải ngân chậm khoảng 656 tỷ đồng so với kế hoạch đã đăng ký”, ông Huy nói và chỉ rõ một số đơn vị có kết quả giải ngân chưa đáp ứng.

Cụ thể như Ban QLDA 7 giải ngân đạt 61,6% kế hoạch, chậm 282 tỷ đồng; Ban QLDA 2 giải ngân đạt 50% kế hoạch, chậm 235 tỷ đồng; Sở GTVT Kon Tum giải ngân đạt 57,5% kế hoạch, chậm 118 tỷ đồng; Sở GTVT Hà Nam, Bến Tre chỉ giải ngân khoảng trên 30% kế hoạch...

Thông tin chi tiết kết quả giải ngân tại các nhóm dự án chính, được giao vốn lớn, ông Huy cho hay: “Về tổng thể kết quả giải ngân dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cơ bản đáp ứng kế hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh một số dự án thành phần có tiến độ giải ngân tốt như: Cầu Mỹ Thuận 2 (vượt 220 tỷ đồng), Nghi Sơn - Diễn Châu (vượt 205 tỷ đồng), Phan Thiết - Dầu Giây, Mai Sơn - QL45 (vượt 140 tỷ đồng), các dự án thành phần còn lại đều giải ngân chậm so với kế hoạch”.

Cùng đó, một số dự án quan trọng, cấp bách khác có kết quả giải ngân chậm như: Dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất chậm 229 tỷ đồng, dự án thành phần 2 QL24 chậm 118 tỷ đồng; QL57 chậm 116 tỷ đồng…

Nêu rõ từ nay tới ngày 31/1/2022, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 14.259 tỷ đồng (gồm 2.096 tỷ đồng vốn nước ngoài, 12.164 tỷ đồng vốn trong nước), ông Huy thông tin, các nhóm dự án được giao kế hoạch vốn lớn, quyết định kết quả giải ngân chung của cả Bộ.

Do vậy, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải sát sao, đề xuất các giải pháp xử lý khó khăn vướng mắc để thúc đẩy tiến độ trong những tháng cuối năm.

Đặc biệt, với 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, ông Huy chỉ rõ cần giải ngân 4.484 tỷ đồng, tập trung ở các dự án đầu tư công (3.884 tỷ đồng).

Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi mùa mưa bão cuối năm và một số tồn tại GPMB chưa được xử lý dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ không giải ngân hết kế hoạch được giao.

Trong đó, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết còn phải giải ngân 975/2.394 tỷ đồng; Cam Lộ - La Sơn còn phải giải ngân 874/2.736 tỷ đồng; Phan Thiết - Dầu Giây còn 555/2.689 tỷ đồng; Mai Sơn - QL45 còn 537/2.939 tỷ đồng; Cao Bồ - Mai Sơn còn 435/532 tỷ đồng....

Với các dự án quan trọng, cấp bách, ông Huy cho hay, khoản tiền cần giải ngân là 3.131 tỷ đồng. Trong đó, dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ còn phải giải ngân 589/1.811 tỷ đồng; tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phải giải ngân 571/979 tỷ đồng.

Dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất giải ngân 333/714 tỷ đồng. Gia cố các hầm yếu và cải tạo kiến trúc tầng đường sắt Hà Nội - TP.HCM đoạn Vinh - Nha Trang giải ngân 323/717 tỷ đồng.

Ba đoạn đường sắt thiết yếu Hà Nội -TP.HCM giải ngân 456/2.221 tỷ đồng. Dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài phải giải ngân 151/502 tỷ đồng…

Bình quân mỗi tháng phải giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng

img

Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đang giải ngân vượt 205 tỷ đồngẢnh: Văn Thanh

Cũng theo ông Nguyễn Danh Huy, tính đến hết tháng 9, Bộ GTVT đã giải ngân hơn 26.000 tỷ đồng, đạt khoảng 62% kế hoạch cả năm. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ GTVT trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân chung của cả nước đến hết tháng 9/2021 chỉ khoảng 47%.

Tuy nhiên, không “ngủ quên” trên những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải “sốt ruột” hơn nữa với công tác giải ngân.

“Nhiệm kỳ này ngành GTVT được bố trí 304.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm phải giải ngân 60.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, ngành GTVT chỉ giải ngân 43.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của nhiệm kỳ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiệm vụ trong giai đoạn tới là rất nặng nề”, Bộ trưởng nói.

Ông bày tỏ sự nóng ruột trước tiến độ giải ngân: Riêng trong năm 2021, bình quân mỗi tháng phải giải ngân khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng tháng 10 vừa qua, trong khi dịch Covid-19 đã bớt phức tạp, việc đi lại thuận lợi nhưng tiến độ giải ngân chỉ được hơn 2.200 tỷ đồng.

“Tỷ lệ giải ngân chậm sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. Tại các cuộc họp hàng tuần, hàng tháng, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo rất tập trung. Chỉ còn 2 tháng nữa, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cần tập trung, tăng cường kiểm tra giám sát tiến độ, chất lượng. Tiến độ là quan trọng nhưng chất lượng là hàng đầu”, Bộ trưởng nói và chỉ đạo thu hồi dự án với các ban QLDA, đơn vị giải ngân chậm.

Ứng dụng công nghệ tối đa để đi lại thuận lợi

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng lưu ý việc tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế - một trong ba khâu đột phá chiến lược, rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề thực tiễn đặt ra, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, từ đó tạo động lực mới cho phát triển.

Trong lĩnh vực vận tải, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Vận tải cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ VN, các Cục quản lý chuyên ngành có sơ kết, đánh giá hàng ngày, hàng tuần để kịp thể phát hiện, giải quyết các vấn đề còn gây bức xúc trong xã hội, còn chưa đảm bảo an toàn phòng dịch.

“Cần chủ động phối hợp với các bộ ngành khác để ứng dụng công nghệ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói và chỉ đạo rõ: “Các lĩnh vực vận tải là như nhau. Không có sự khác biệt giữa hàng không với đường bộ, đường sắt”.

“Hành khách ai cũng như ai. Lĩnh vực nào cũng là vận tải. Cần có chỉ đạo nhất quán, đồng bộ, những gì áp dụng cho hàng không tốt thì áp dụng luôn cho các lĩnh vực khác trên nguyên tắc ứng dụng công nghệ hiện đại nhất, thuận lợi nhất”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.