Người dân tộc khi tuyển dụng được miễn thi ngoại ngữ và tin học
Chiều nay (9/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh đặt câu hỏi: "Chúng tôi đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề quan tâm thực hiện phát triển đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số các cấp, tuy nhiên thực tế việc triển khai vấn đề này vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này, thưa Bộ trưởng?".
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ không ban hành một nghị định riêng đối với cán bộ là công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; nhưng chính sách dành cho đối tượng này được lồng ghép vào các Nghị định có liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức...
Về các chính sách tuyển dụng, hiện nay, người dân tộc thiểu số nằm trong đối tượng được cử tuyển đi học đại học và sau khi tốt nghiệp về thì được địa phương áp dụng hình thức xét tuyển, chứ không qua thi tuyển. Chính phủ cũng quy định đối với tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc trong tổng số biên chế được giao nằm trong mức tỷ lệ dao động là từ 15-70%.
"Người dân tộc khi tuyển dụng được miễn thi ngoại ngữ và tin học", Bộ trưởng Bộ nội vụ nói.
Đào tạo ngoại ngữ chuẩn rồi thì tuyển dụng không cần chứng chỉ
Trả lời các câu hỏi về vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển dụng và nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Nghị định của Chính phủ đã quy định, nếu tốt nghiệp trường đại học đã đào tạo theo chuẩn rồi thì không cần người tham gia tuyển dụng phải có chứng chỉ ngoại ngữ.
"Nghị định cũng đã giao các bộ quản lý chuyên ngành ban hành các tiêu chuẩn cụ thể về trình độ ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm. Để tiến tới bỏ quy định về ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi nâng ngạch, hiện Bộ đang sửa đổi quy định theo hướng không yêu cầu chứng chỉ mà chỉ yêu cầu năng lực sử dụng ngoại ngữ", ông Lê Vĩnh Tân nói.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy, Bộ trưởng cho biết đã giảm được nhiều đầu mối, tổ chức, như giảm 973 tổ chức cấp phòng ở địa phương. Nhiều chỉ tiêu về tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị sự nghiệp chắc chắn sẽ hoàn thành.
“Việc sắp xếp bộ máy sẽ tập trung làm từ năm 2021 trở đi nhưng không làm cơ học mà có hiệu lực, hiệu quả, phục vụ thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ cơ cấu tổ chức nhiệm kỳ mới, sẽ thể hiện rõ quan điểm này”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận