Chiều 15/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024 tại TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có bài phát biểu về bức tranh toàn cảnh báo chí Việt Nam trước những thách thức và cơ hội trong kỷ nguyên số.
Báo Giao thông kính gửi đến quý độc giả nguyên văn bài phát biểu.
Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Thay đổi căn bản tức là tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Nếu thay đổi thành công thì tương lai của chúng ta sẽ nằm phía trên của đường kéo dài, nếu không thì sẽ nằm phía dưới của đường kéo dài này.
Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Thắng hay bại là ở đây. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số cũng đã hơn chục năm rồi, bây giờ không chỉ là lên không gian mạng mà còn là giành lại không gian mạng, tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng.
Nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ không gian mạng.
Công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Vậy là báo chí phải làm những việc mới. Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là "Ai, cái gì, khi nào và ở đâu", tức là rộng hơn việc đưa tin.
Độc giả mong muốn biết những gì ở phía sau quá nhiều những tin tức kia. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước.
Đổi mới không phải là một việc quá khó. Đổi mới là đi tìm một cách làm dễ hơn cho một việc khó hơn. Cách làm mới đó thường xuất hiện từ một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác.
Ở thời đầu của một cuộc cách mạng công nghiệp mới thì cách làm mới thường là làm ngược lại. Hãy sử dụng công nghệ số để làm ngược lại.
Thay vì viết thì hãy làm nền tảng để mọi người viết. Thay vì để mọi người đọc trên trang web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau. Thay vì cung cấp thông tin thì hãy cung cấp tri thức. Thay vì tự làm thì hãy hợp tác. Thay vì để phóng viên phải xử lý rất nhiều thông tin thì hãy để họ xử lý những thứ mà rất ít thông tin và để cho trí tuệ nhân tạo xử lý rất nhiều thông tin. Thay vì tránh tai nạn thì hãy kiểm soát tai nạn.
Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.
Công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, mạnh hơn năng lượng hạt nhân, thì những vấn đề, những thách thức, những rủi ro mà nó mang đến cho chúng ta cũng sẽ lớn hơn hạt nhân. Đó là quy luật. Không có bữa trưa nào miễn phí cả. Nhưng rồi con người luôn học được cách để sử dụng công nghệ mới một cách khôn ngoan, giảm thiểu các rủi ro và gia tăng giá trị.
Ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã là như vậy. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, mà trung tâm của nó là công nghệ số, và trung tâm của công nghệ số là trí tuệ nhân tạo, chắc cũng sẽ như vậy.
Giải quyết những vấn đề của công nghệ mới thì phải bằng thể chế mới và bằng chính công nghệ mới đó. Và chúng ta hy vọng cái giá phải trả sẽ ít hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận