Theo đó, cuộc họp khẩn giải quyết vấn đề của 3 tập đoàn lớn gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên họp khẩn chỉ đạo giải quyết loạt vấn đề “nóng”
Huy động nguồn khác thay thế điện than
EVN báo cáo, có thể thiếu hụt khoảng 3.000 MW nhiệt điện than trong năm 2022 do việc cung cấp than từ TKV và Tổng công ty Đông Bắc chưa đủ theo hợp đồng mua bán than đã ký.
Giải pháp Tập đoàn này tính đến là huy động bổ sung khoảng 3.700 MW điện từ các nguồn khác.
Trong đó, nguồn năng lượng tái tạo khoảng 1.000 MW, nguồn thủy điện khoảng 300 MW, nguồn điện khí khoảng 1.200 MW, nguồn nhiệt điện than khoảng 1.200 MW.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVN thực hiện ngay biện pháp trên và các tập đoàn khác phải nâng cao năng lực sản xuất nhiên liệu sơ cấp trong nước; tăng cường mua bán than, khí với các đối tác truyền thống và các đối tác mới.
Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia và các đơn vị truyển tải được yêu cầu luôn phải đặt vào trạng thái sẵn sàng để thực hiện được các mục tiêu này.
Về dài hạn, Bộ trưởng Diên yêu cầu các Tập đoàn giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến giá điện, giá nhiên liệu sơ cấp, vướng mắc trong thanh quyết toán liên quan đến sản xuất điện.
Thành lập 3 đoàn kiểm tra các dự án điện mặt trời
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã họp khẩn để giải quyết vấn đề về điện mặt trời.
Sau khi nghe báo cáo về việc kế hoạch kiểm tra đợt 2 (tháng 5, 6) đã tạm dừng do dịch Covid-19. Lãnh đạo Bộ Công thương chỉ đạo, thành lập 3 đoàn kiểm tra để tiếp tục thực hiện việc rà soát, giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà.
“Đây là vấn đề quan trọng cần được tập trung xử lý, không thể chậm trễ, kéo dài”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 1/4 đến hết ngày 10/4/2022.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công thương, báo cáo của các tỉnh, thành, địa phương, Bộ trưởng Công thương cho biết, sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả tích cực và những tồn tại trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách; Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan; Đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cách đây không lâu, Bộ Công thương đã có kết luận về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà.
Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều sai phạm nghiêm trọng ở các công ty điện lực tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Cụ thể, các địa phương chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền, dẫn đến việc một số hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định;
Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của trang trại nông nghiệp (chăn nuôi hoặc trồng trọt, ...), đã đưa vào vận hành thương mại trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận