Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) được Bộ Công thương xây dựng từ năm 2019 có tham khảo tư vấn trong và ngoài nước với nhiều nội dung quan trọng. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng Nghị định và giao cho Bộ Công thương triển khai.
Xoay quanh 4 vấn đề
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nếu không có cơ chế khuyến khích này thì việc đầu tư nguồn điện sẽ chậm lại so với tiến độ.
Vì thế, ông Diên yêu cầu Ban soạn thảo làm việc với tinh thần khẩn trương.
"Thủ tướng đã chỉ đạo phải làm theo cơ chế rút gọn nhưng phải đúng quy định của pháp luật. Rút ngắn về thời gian, đảm bảo chất lượng", ông Diên nói và chỉ đạo, nghị định này cần phải thiết kế theo hướng dùng được ngay, chứ không theo dạng nghị định khung, nghị định ống.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng lưu ý, các chính sách ở nghị định này cần xoay quanh 4 vấn đề cụ thể.
Một là về cơ chế giá, phải thông qua cơ chế giá để điều tiết, bao gồm: Giá truyền tải, giá sản xuất, giá phân phối…
Thứ hai là, thông qua thủ tục hành chính để giải quyết các vấn đề phát sinh; Thứ ba là về đối tượng mua, có thể mở rộng thêm các đối tượng chứ không chỉ đơn vị sản xuất mà các loại hình khác nếu có nhu cầu.
Cân nhắc đối tượng mua là vấn đề thứ 4 ông Diên lưu ý. Bởi theo ông, chúng ta khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; Khuyến khích các nhà sản xuất nguồn điện sạch bao gồm nắng gió, sinh khối thủy điện, kể cả thủy điện nhỏ đáp ứng nhu cầu sản xuất xanh, sạch... không chỉ ở các nhà đầu tư nước ngoài mà ngay cả với những nhà sản xuất, nhà đầu tư Việt Nam", ông Diên đặt nêu vấn đề.
Xem xét mở rộng đối tượng tham gia
Góp ý cho nội dung về đề cương dự thảo Nghị định, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, việc xây dựng Nghị định này có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết 2 vấn đề là tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện cũng như có phương án tài chính qua cơ chế giao ngay.
VCCI nhất trí về phương án Bộ Công thương đề xuất, song theo ông Tuấn, về thủ tục hành chính cần lưu ý để làm sao cho rõ ràng, dễ thực hiện.
Đặc biệt, cần quy định về quy trình thủ tục, quyền và trách nhiệm các bên cần nêu rõ trong Nghị định.
"Bộ cũng nên lấy ý kiến rộng rãi hơn, sau đó có thể tổ chức hội thảo hoặc gặp gỡ trao đổi với các chuyên gia, doanh nghiêp, đối tượng quan tâm", ông Tuấn nói.
Còn ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ phó Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cho rằng, cần xem xét mở rộng đối tượng tham gia trong nghị định thay vì chỉ có nhà máy điện gió, mặt trời mà còn dạng năng lượng khác.
Về đối tượng khách hàng trong dự thảo chỉ nói là khách hàng sản xuất, do đó cũng cần mở rộng thêm vì có những khách hàng không phải sản xuất cũng muốn tham gia cơ chế…
Hiện dự thảo về cơ chế DPPA Bộ Công thương đang xây dựng theo hướng đối tượng là các dự án điện gió, điện mặt trời có công suất đặt từ 10 MW trở lên, và khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất từ cấp điện áp 22kV trở lên.
Với những góp ý trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ban soạn thảo phải khẩn trương hoàn thành dự thảo nghị định, muộn nhất vào 15/4 sẽ đăng tải bản dự thảo lần thứ nhất, lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương. Dự kiến vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ trình lên Chính phủ dự thảo này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận