Xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Dân đang đói thì cán bộ đừng hy vọng về nhà"

10/11/2021, 17:14

"Tôi nói thẳng là người dân đang đói thì đừng hy vọng được về nhà. Nếu để dân đói là chúng ta có tội với dân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tại hội trường Quốc hội, chiều nay (10/11), Bộ trưởng Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã có những giải trình về việc thực hiện gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thắc mắc của đại biểu về việc triển khai chậm các biện pháp hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

img

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung

"Làm ngày, làm đêm, cả thứ 7 và chủ nhật"

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) về "căn bệnh cố hữu" khi triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 còn chậm, quy trình còn phức tạp, các địa phương còn máy móc... Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ xây dựng và đề xuất các chính sách.

Ông Dung mô tả đây là chính sách chưa từng có tiền lệ, nhiều nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ. Do vậy, Bộ trưởng cho biết nhóm liên ngành đã phải "làm ngày, làm đêm, cả thứ 7 và chủ nhật".

"Tôi nói thẳng là người dân đang đói thì đừng hy vọng được về nhà. Nếu chúng ta để người dân đói là chúng ta có tội với dân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về quyết tâm, của các cơ quan liên ngành khi giải quyết các chính sách hỗ trợ cho người dân.

Bộ trưởng Dung cũng khẳng định đã triển khai rất nhanh các chính sách, chỉ trừ những nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ để lại, những nội dung trong thẩm quyền sẽ báo cáo cho sửa ngay.

"Do đó tôi xin đính chính lại là, tất cả các thủ tục, các quy định trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 ở mức độ thông thoáng nhất có thể", Bộ trưởng Dung cho hay.

Bộ trưởng lấy ví dụ Nghị quyết 116, người lao động không phải kê khai bất kỳ nội dung gì, tự động bảo hiểm xã hội sẽ chuyển tiền hỗ trợ vào tài khoản. Do vậy, chỉ trong 5 ngày, hơn 363.000 doanh nghiệp đã được hưởng hỗ trợ.

Hỗ trợ F0 tiền ăn 80 nghìn đồng/ngày, địa phương kiến nghị 3 trang giấy

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68, Bộ trưởng Dung cho biết có 2 điều vướng mắc là vụ việc ở Bình Dương và vướng mắc xác định thủ tục thuế. Sau đó, Thủ tướng đã cho sửa ngay bằng Nghị quyết 126 và sửa Quyết định 23 bằng Quyết định 33.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, trong quá trình tổ chức thực hiện thì đúng là có nơi này, nơi kia cứng nhắc, máy móc.

Chỉ riêng hỗ trợ cho người F0 và trẻ em ăn là 80 nghìn đồng thì có địa phương kiến nghị Bộ trưởng 3 trang giấy, toàn nêu vướng mắc.

"Về sau tôi phải nói là "đồng chí cứ làm đi, nếu như F0 và trẻ em ăn không thanh toán thì tôi chịu trách nhiệm" thì địa phương mới cho thanh toán", ông Dung nói và cho biết, tâm lý địa phương sợ sai, sợ trách nhiệm là có.

"Trong đó có lỗi của ngành chúng tôi là tuyên truyền không kỹ, không đầy đủ. Nhưng về cơ bản thủ tục là thông thoáng, cơ bản là đảm bảo", ông Dung cho hay.

Cách chức cán bộ vì để người nhà vào danh sách hộ nghèo

Về việc quản lý, kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm trong việc triển khai chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đối với việc trục lợi chính sách, các quy định đều nêu rõ phân công trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức, địa phương, người đứng đầu của các ngành được phân công.

Ví dụ liên quan đến chính sách vay cho người lao động là thống đốc ngân hàng, liên quan đến gói hỗ trợ tiền mặt, chỉ đạo là Bộ Lao động, thương binh và xã hội.

Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đi kiểm tra, đặc biệt quan tâm đến an sinh xã hội, gói hỗ trợ. Ông nhắc việc Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội phối hợp với UBND Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra ở 33 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dung thừa nhận, vẫn còn tình trạng trục lợi. Như ở gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42, phát hiện và xử lý 4 trường hợp ở 4 địa phương, trong đó có những địa phương phải cách chức cả bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch mặt trận vì để người nhà trong danh sách hộ nghèo, trong danh sách hưởng chính sách.

"Việc trục lợi có xảy ra, tuy nhiên, về cơ bản các địa phương đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng", Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.