Giao thông

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Giải tỏa trì trệ ngay từ trong tư duy

12/02/2015, 07:56

Năm 2014, ngành GTVT đã đạt được kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

21
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng 

Năm 2014, ngành GTVT đã đạt được kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Năm 2015 này, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ thường niên còn có ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ, công nhân viên ngành GTVT, khi ngành GTVT kỷ niệm lần thứ 70 Ngày Truyền thống vẻ vang. Trước thềm Xuân mới Ất Mùi, Báo Giao thông có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về công cuộc đổi mới, đột phá của ngành, cũng như việc thực hiện lời hứa với Quốc hội và người dân cả nước sau hơn ba năm nhận nhiệm vụ là người đứng đầu ngành GTVT.

Gốc của mọi thành công là chất lượng con người

Thưa Bộ trưởng, năm 2014 có nhiều thay đổi quan trọng của ngành GTVT, tạo ra sự chuyển biến tích cực trên mọi mặt cả về lượng và chất, được nhân dân và Quốc hội ghi nhận. Cuối năm nhìn lại, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả đó và Bộ trưởng cảm thấy ấn tượng với điều gì nhất?

Tôi nhường quyền đánh giá cho người dân, các đại biểu Quốc hội và giới truyền thông. Tâm trạng của tôi tại thời điểm này là vẫn chưa thật yên tâm với những gì đạt được, mặc dù toàn ngành thực sự đã nỗ lực rất lớn, những nỗ lực mà bất cứ ai cũng có thể thấy và đưa ra nhận định của riêng mình.

Nếu cần phải lấy ví dụ tiêu biểu làm minh chứng cho những nỗ lực ấy, bản thân tôi cũng phải cân nhắc rất nhiều. Những thay đổi của ngành Đường sắt là rất ấn tượng, xét trong bối cảnh kinh tế đất nước năm qua còn nhiều khó khăn và xét cả về lịch sử tồn tại của nó. Những bức xúc của người dân trong nhiều năm qua với ngành Đường sắt phản ánh hai điều: Nó quá yếu kém và bảo thủ. Vì thế, nói thật là ngay cả tôi cũng thở phào khi những lời khen của hành khách với ngành Đường sắt đã xuất hiện ngày một nhiều.

"Lấy mục tiêu sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm động lực cao nhất, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đồng thời tự đưa ra cam kết và mong muốn có sự giám sát chặt chẽ của toàn xã hội về những việc mà ngành GTVT sẽ làm”.

Hay như lĩnh vực đăng kiểm phương tiện, cũng xứng đáng được coi là một cuộc lột xác toàn diện. Trước đây lĩnh vực này nhìn đâu cũng thấy tiêu cực. Những chuyện rất đáng xấu hổ diễn ra hàng ngày, ở nhiều trạm đăng kiểm, ngay trước mắt mọi người. Điều này không chỉ làm mất niềm tin của người dân, làm méo mó hình ảnh của ngành, mà còn trực tiếp góp phần gây mất ATGT. Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng ít ai dám tin có thể thay đổi được thực tế khá phổ biến này chỉ trong một năm. Nhưng như chính dư luận phản ánh, công tác đăng kiểm đang dần đi vào nền nếp với quá trình minh bạch hóa kết hợp với xử lý nghiêm khắc những cán bộ sai phạm.

Hàng loạt công trình giao thông quan trọng hoàn thành vượt tiến độ và đi vào khai thác hiệu quả trong năm qua cũng là điểm sáng của ngành. Vấn nạn chậm tiến độ, đầu tư dàn trải, gây ô nhiễm môi trường… đang dần biến mất tại hàng trăm công trình giao thông trên toàn quốc. Chính điều đó đã góp phần duy trì mạch kéo giảm TNGT, liên tiếp từ hơn 13 nghìn người chết hai năm trước xuống dưới 9 nghìn người trong năm 2014. Đây cũng là mức giảm TNGT thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Những kết quả mà tôi vừa nói đến, một phần bắt nguồn từ những cố gắng cải cách hành chính của toàn ngành, từ công tác rà soát hệ thống văn bản, đơn giản hóa thủ tục, cải tiến công tác đấu thầu theo hướng minh bạch, sát hạch và cấp GPLX, thi tuyển cán bộ… đến thay đổi tác phong lãnh đạo theo hướng quy trách nhiệm cá nhân, duy trì mạnh kỷ cương phép nước… Nhưng tôi chưa muốn có bất cứ đánh giá nào về vấn đề này. Cũng như vậy, trong năm 2014, Bộ GTVT cổ phần hóa được 53 doanh nghiệp, trong đó nổi lên sự kiện IPO thành công Tổng công ty Hàng không Việt Nam, cũng mới chỉ là những bước đi đầu tiên, dù quan trọng, so với việc thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành GTVT trong cả quãng đường còn dài ở phía trước. Tôi không muốn và không cho phép bất cứ ai thuộc phạm vi quản lý của mình được chủ quan, tự mãn.

Nếu hỏi tôi ấn tượng nhất về điều gì trong năm qua, thì đó chính là sự thay đổi về tư duy, cung cách làm việc, tinh thần đoàn kết của hầu hết cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành. Gốc của mọi thành công chúng ta có được chính là yếu tố chất lượng con người thực sự đã được nâng lên và thể hiện rõ nét trong năm qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, để có được kết quả đó, mấu chốt nhất là do lãnh đạo Bộ quyết liệt, không khoan nhượng với những trì trệ, yếu kém và tiêu cực. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào về điều này?

Nếu chỉ nhìn vào thực tế bề nổi thì dễ dàng đi đến nhận định đó. Đúng là ngành GTVT có sự tồn tại mang tính lịch sử của những vấn đề liên quan đến kỷ cương, kỷ luật, thói trì trệ, sự minh bạch… cần phải có một thái độ quyết liệt khi giải quyết. Nhưng sự quyết liệt đó chỉ là một yếu tố, chắc chắn là quan trọng nhưng không phải là yếu tố mang tính quyết định. Bởi vì chúng ta vẫn quen với cung cách dây dưa đổ trách nhiệm cho nhau, làm cái gì cũng cầm chừng, nghe ngóng, sợ mất lòng cho nên mới coi sự quyết liệt của lãnh đạo nào đó như là một phẩm chất nổi trội, đặc biệt, khác thường.

Tôi không nghĩ thế. Lãnh đạo phải dám làm, dám chịu, sẵn sàng đương đầu với khó khăn là chuyện đương nhiên. Tôi thích phong cách làm việc như vậy và yêu cầu cấp dưới phải có phẩm chất đó. Nhưng chỉ thế thôi thì không thể tạo ra chuyển biến trên cả một diện rộng, duy trì liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm được. Bất kỳ sự chuyển biến tích cực nào cũng là tổng hợp của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

Ngành GTVT có một truyền thống vượt khó rất quý báu. Trải qua thời gian, chúng ta xây dựng được một đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cán bộ quản lý được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm dày dạn. Bên cạnh đó là đội ngũ những người thợ tay nghề cao rất đông đảo. Họ cùng với hàng vạn người lao động có tinh thần kỷ luật, chăm chỉ, luôn sáng tạo, đã làm nên một tập thể rất vững chắc và có khả năng tập trung sức mạnh giải quyết những nhiệm vụ lớn.

Chỉ cần tạo cơ hội bằng sự hiểu biết, bằng các cơ chế hợp lý, bằng sự chân thành trong đãi ngộ cũng như giao phó trách nhiệm… thì đó chính là nền tảng quan trọng tạo ra mọi sự thay đổi. Tôi cho rằng, yếu tố quyết định để có được những thành công ban đầu đó chính là chúng ta đã đánh thức được khát vọng cống hiến và ý thức danh dự của cả một tập thể giàu lòng tự trọng.

22
Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra thi công dự án luồng cho tàu biển vào sông Hậu ngày 6/2. Ảnh: Phan Tư

Mỗi người phải hành động trong danh dự

Thông thường mỗi năm ngành GTVT đều chọn một chủ đề để định hướng nhiệm vụ, đồng thời mang tính thông điệp gửi tới mọi người. Năm 2015, nội dung và ý nghĩa của thông điệp đó là gì, thưa Bộ trưởng?

Nội dung của nó chỉ ngắn gọn thế này: “Phát huy truyền thống 70 năm, đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”. Tôi muốn bất cứ cán bộ, công nhân viên chức nào của ngành cũng có thể dễ dàng ghi nhớ điều đó, để tự xác định trách nhiệm của mình ngay từ đầu năm. Ý nghĩa của thông điệp cũng rất đơn giản: Đó là những nhiệm vụ then chốt, không thể thoái thác, gắn với danh dự có được từ truyền thống, mà ngành GTVT phải thực hiện thành công trong năm tới, một năm định vị những giá trị của quá trình đổi mới trong ba, bốn năm qua. Lấy mục tiêu sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm động lực cao nhất, lãnh đạo Bộ cũng đồng thời tự đưa ra cam kết và mong muốn có sự giám sát chặt chẽ của toàn xã hội về những việc mà ngành GTVT sẽ làm.

Một thông điệp rất ngắn gọn nhưng thể hiện toàn bộ sự thay đổi tư duy về cách tiếp cận các vấn đề cũng như phương tiện để thực hiện, bao gồm nguồn lực và con người. Và nó xứng đáng là một thông điệp mang tinh thần nhân văn trong triết lý phát triển hiện đại. Bộ trưởng dự định triển khai chủ đề này như thế nào?

Tôi luôn khẳng định, những gì mà ngành GTVT làm được mới chỉ là bước đầu trong toàn bộ tiến trình phát triển lâu dài với đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc hiện đại hóa đất nước, nâng cao mọi mặt đời sống cho người dân. Vì thế, nhiệm vụ của năm 2015 là tiếp tục những nhiệm vụ của năm 2014 nhưng ở mức độ đòi hỏi cao hơn về quy mô và ý thức trách nhiệm. Nó mang tính liên tục của một sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho ngành GTVT.

Muốn đi trước mở đường, thì không thể ì ạch, trì trệ, ngại thay đổi. Buộc lòng phải tiếp tục đổi mới, tiếp tục cải cách sâu rộng về thủ tục, về cơ chế để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bởi vì phục vụ họ một cách tốt nhất, vừa là mục đích, vừa là cách thức tạo ra nguồn lực bền vững cho bất cứ một công trình giao thông nào, không phải chỉ bây giờ, mà trong suốt quá trình phát triển không có điểm dừng của đất nước. Nó cần sự hiểu biết, quyết đoán của bộ phận lãnh đạo. Nó cần cả bộ máy phải hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả, kết hợp tốt trong từng nhiệm vụ. Những nhiệm vụ đó được thực hiện với ý thức về truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành. Nghĩa là đòi hỏi mỗi người phải hành động trong danh dự. Mà muốn bảo toàn danh dự thì không thể ăn gian nói dối, tham nhũng, hối lộ… Muốn xứng đáng với danh dự, xứng đáng với lịch sử thì hãy chăm chỉ làm việc, mạnh mẽ sáng tạo, nâng cao hiệu quả lao động, thực hành tiết kiệm, luôn có trách nhiệm với tài sản quốc gia...

Đấy cũng chính là phương cách, là mục tiêu mà chúng ta sẽ dựa vào, hướng tới khi triển khai nhiệm vụ của năm mới.

Hãy để người dân đánh giá

Khi nhận nhiệm vụ là người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng đã hứa với cử tri cả nước về quyết tâm đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và kiềm chế TNGT, ùn tắc giao thông. Đến nay, sau hơn ba năm nhận nhiệm vụ, những lời hứa đó đã được triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Về kết quả thực hiện lời hứa thì bạn nên hỏi người dân nào đó thì đúng đối tượng hơn. Chỉ có họ, những người hàng ngày tham gia giao thông, mới đủ khách quan và sự vô tư để đánh giá hiện trạng giao thông bây giờ so với trước đây.

Nhân dịp Tết Ất Mùi, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT đã quyết định dành 10 tỷ đồng từ Quỹ Xã hội từ thiện Công đoàn GTVT VN để hỗ trợ 10 nghìn xuất quà cho cựu TNXP và cán bộ, công nhân viên chức, lao động trong ngành có hoàn cảnh khó khăn vui đón Tết. Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, các cơ quan đơn vị trong ngành GTVT chăm lo tốt đời sống cán bộ, công nhân viên. Cùng đó, Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp vận tải bố trí đủ số lượng tàu xe phục vụ người dân về quê đón Tết, tuyệt đối không để hành khách nào phải lỡ nghỉ Tết với gia đình vì thiếu phương tiện.

Nếu bạn hỏi vì sao tôi lại dám hứa thực hiện một nhiệm vụ chưa thể lường hết một phần khó khăn, thì tôi sẽ trả lời là nó xuất phát trước tiên từ trách nhiệm của người được Quốc hội trao cho đứng đầu ngành GTVT. Sự thôi thúc tôi hành động còn từ những cảm nhận đau đớn mang tính cá nhân về tình trạng TNGT khủng khiếp diễn ra hàng ngày, không chừa một ai. Rồi nạn ùn tắc ở các thành phố lớn… Chúng đều có nguyên nhân chủ yếu từ sự lạc hậu, xuống cấp, bất cập của hệ thống hạ tầng giao thông. Tôi không tìm cách đổ lỗi cho ai, vì làm thế chẳng ích gì và trên thực tế cũng không cần thiết. Thay vào đó, chúng tôi xác định mọi thứ tồn đọng, mọi khó khăn lớn - bé đều là nhiệm vụ của mình, là một phần không mong muốn của di sản mình thừa kế, chắc chắn phải giải quyết. Và chúng tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng, muốn nâng cấp hạ tầng, giải tỏa ùn tắc giao thông để nhờ thế kéo giảm TNGT xuống, tạo cú hích cho phát triển, trước tiên phải giải tỏa ách tắc, ùn tắc ngay từ trong tư duy, từ mỗi cá nhân. Cần phải khơi thông không chỉ các nguồn lực rất lớn mà bao nhiêu năm vẫn còn ngủ yên chỉ vì thiếu cơ chế, thiếu động lực để cho nó chảy ra thành dòng vốn xã hội, mà còn khơi thông cả một hệ thống chính sách liên quan đến GTVT, vì lý do lịch sử, đã kìm hãm và làm thui chột những ý tưởng sáng tạo có giá trị.

Thật may là mọi việc diễn ra về cơ bản đều như chúng tôi mong muốn và được nhân dân ủng hộ.

Giới truyền thông và người dân, khi quan sát tác phong lãnh đạo của Bộ trưởng, đưa ra nhận xét rằng, trong mọi vấn đề cần chỉ đạo, hầu như Bộ trưởng đều có thể đưa ra quyết định ngay lập tức, chẳng hạn quyết định liên quan đến hệ thống hầm chui dân sinh trong dự án đường dẫn cầu Nhật Tân, hay như chủ trương mới đây liên quan đến hoạt động của xe Uber… Những quyết định đó là thể hiện sự nhạy cảm bẩm sinh của một nhà lãnh đạo, kinh nghiệm cá nhân do rèn luyện hay Bộ trưởng có một chỗ dựa tinh thần nào để không sợ bị sai?

Tôi chưa bao giờ để ý xem bản thân mình có những năng lực ấy không khi hành động. Tuy nhiên, đúng là tôi có một chỗ dựa tinh thần mà tôi tin là tuyệt đối đúng, mang tính chân lý, mỗi khi đưa ra quyết định nào đó. Chúng ta đang triển khai phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó có một lời dạy quan trọng mà cũng rất dễ thuộc của Bác: “Việc gì lợi cho dân, dù nhỏ ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, dù nhỏ ta phải hết sức tránh.” Tôi cảm nhận từ lời dạy đó như một chuẩn mực cho mọi hành động để có thể đối chiếu ngay lập tức với các quyết định của mình. Ngồi phân tích, cân đo một vấn đề gì đó có thể phải cần thời gian. Nếu mà ngại chịu trách nhiệm thì còn mất nhiều thời gian gấp bội. Sự chậm trễ đưa ra quyết định không chỉ làm mất cảm hứng, mà còn mất cơ hội tốt nhất để thực hiện một chủ trương nào đó. Nhưng nếu dựa vào tiêu chí của Bác để xét xem việc đó có lợi cho dân, cho nước hay không - mà điều này rất dễ nhận biết - thì vấn đề trở nên đơn giản hơn nhiều. Những việc như vậy trước sau cũng phải làm, đáng làm, cần làm, làm mà không sợ sai, thì làm sớm ngày nào tốt cho người dân ngày đó. Tốt cho nhiều người dân, tức là tốt cho đất nước. Đó là cơ sở để tôi hành động.

Lấy ngay ví dụ bạn vừa nêu. Một công trình giao thông, dù hiện đại và cấp thiết như cầu Nhật Tân và hệ thống đường dẫn mà vẫn còn gây phiền toái cho hàng nghìn người, thì nhất định thiết kế có vấn đề. Sai thì phải sửa, không thể khác được, đơn giản vậy thôi.

Năm 2015 kỷ niệm tròn 70 năm truyền thống, cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt với cán bộ, nhân viên toàn ngành GTVT. Nhân dịp đầu năm mới, xin Bộ trưởng chia sẻ với đội ngũ CB, CNV toàn ngành và bạn đọc Báo Giao thông về những dự định, kế hoạch trong năm của Bộ trưởng để xây dựng ngành GTVT thực sự vững mạnh, tạo đà đưa đất nước phát triển, tiến lên hiện đại?

Năm nào cũng rất quan trọng với sự nghiệp GTVT. Chúng ta phải tránh xa căn bệnh thành tích và hội chứng lễ lạt khi triển khai công việc. Tuy nhiên, kỷ niệm lần thứ 70 ngày truyền thống ngành GTVT xứng đáng là một mốc quan trọng về mặt tinh thần. Nó có ý nghĩa tạo ra sự đồng thuận và cho chúng ta có thêm nhiều cảm hứng, động lực để thực thi nhiệm vụ.

Cá nhân tôi sẽ phải nỗ lực hơn nữa, cùng với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ tập trung giải quyết những nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho một cách hiệu quả hơn. Sự nghiệp xây dựng kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa đất nước luôn là một thử thách rất lớn với tất cả chúng ta. Hơn bất cứ nguồn lực nào khác, nhân tố sức mạnh tập thể là cực kỳ quan trọng. Vì thế, tôi mong muốn và chúc toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong toàn ngành luôn giữ thói quen nêu cao tinh thần đoàn kết, tính tự giác, kỷ luật và trách nhiệm cao nhất trong thực thi bất cứ công việc gì và hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.

Qua Báo Giao thông, tôi cũng chân thành gửi lời cảm ơn, lời chúc một năm mới tốt đẹp, nhiều thành công đến bạn đọc của báo. Chúc mọi người dân trên khắp các vùng miền tham gia giao thông an toàn.

Đáp ứng nguyện vọng của nhiều người dân, trong đó có bạn đọc của Báo Giao thông, xin chuyển đến Bộ trưởng một câu hỏi riêng tư, cũng là câu hỏi cuối cùng: Cảm xúc của Bộ trưởng thế nào khi được Quốc hội tín nhiệm rất cao?

Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi nhận thông tin đó là thời gian sắp tới trách nhiệm của tôi sẽ nặng nề hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.