Bốc hàng lên tàu biển tại Cảng Hải Phòng |
Chủ tàu lo lãi suất, mong giảm thuế
Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam Đỗ Xuân Quỳnh cho biết, thị trường cước phí hàng hải đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay và hiện vẫn chưa thoát đáy. Hầu hết chủ tàu đều khai thác tàu dưới giá thành và chấp nhận lỗ. “Khó khăn lớn nhất mà chủ tàu đang phải đối mặt chính là tình trạng thiếu vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh, khai thác tàu. Khi mua tàu, đóng tàu, các chủ tàu đều phải vay vốn của ngân hàng với lãi suất cao. Chủ tàu cần tiền để trả nợ ngân hàng, mua nhiên liệu, trả tiền bảo hiểm, mua sắm vật tư, phụ tùng thay thế, trả lương thuyền viên” - ông Quỳnh nói.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Sơn - Phó Tổng giám đốc Vitranchart CTCP Vận tải và thuê tàu biển VN cho rằng, chi phí vốn (khấu hao, lãi vay và chênh lệch tỷ giá) hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá vốn đội tàu. “Khác với đội tàu nước ngoài được hình thành chủ yếu bằng vốn tự có hoặc vay với lãi suất thấp, đội tàu Vitranschart được hình thành từ 70 - 85% vốn vay. Vì vậy, để có cơ hội cạnh tranh với đội tàu ngoại, đề nghị Chính phủ duy trì lãi suất vay ưu đãi hoặc có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư tàu, đảm bảo chi phí vay vốn chỉ xấp xỉ như các nước trong khu vực (khoảng 2%/năm)” - ông Sơn đề nghị.
Liên quan đến chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản vay bằng ngoại tệ, ông Sơn cho biết, trong các năm 2010, 2011, 2013, khoản lỗ do nguyên nhân này của Vitranschart tương ứng là 67, 138 và 18 tỷ đồng. “Nếu phải điều chỉnh tỷ giá, nên tránh thời điểm cuối năm khi mà doanh nghiệp chuẩn bị đóng sổ lập báo cáo tài chính khiến kết quả kinh doanh không lường hết được” - ông Sơn kiến nghị tiếp.
“Cầu cứu" Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải biển Diêm Điền - Thái Bình Vũ Đức Then đề nghị được giảm thuế GTGT còn 5% trong ba năm, từ 2014 đến 2016, nộp dần các tồn đọng thuế trong thời gian qua cũng như miễn thu tiền chậm nộp thuế. “Sáu năm qua, chúng tôi phải vật lộn với khủng hoảng, lại thêm những khó khăn do căng thẳng tại biển Đông. Thực sự chúng tôi sắp hết hơi rồi, Nhà nước hãy cứu trợ khẩn cấp cho chúng tôi” - ông Then khẩn thiết.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế cho biết, Luật Thuế sửa đổi có hiệu lực từ năm 2014, do đó tất cả đều phải áp dụng theo quy định tại Luật. Liên quan đến chênh lệch tỷ giá, đại diện Cục Tài chính DN cho rằng đã có thông tư hướng dẫn với nội dung tương đối hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả hai đại diện này đều khẳng định: “Trong những trường hợp đặc biệt, vẫn có thể xem xét, song phải có văn bản cụ thể gửi cơ quan liên quan”.
Các doanh nghiệp cảng mong muốn sớm áp dụng giá sàn dịch vụ cảng biển tại TP HCM và Hải Phòng |
Cảng biển “ngóng” chính sách giá sàn
Không khó khăn như các DN vận tải biển, các DN khai thác cảng trên cả nước đa phần đều đảm bảo mức tăng trưởng khá ổn định. “Mối lo” của các DN này chỉ liên quan đến việc cạnh tranh không bình đẳng, thậm chí là tiêu cực bằng cách hạ giá dịch vụ dưới mức giá thành.
Phó Tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng Nguyễn Hùng Việt và một số DN khác đều bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng áp sàn giá dịch vụ cảng biển để có thể giải quyết ngay tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá dưới mức giá thành.
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu cho rằng, việc các doanh nghiệp cảng giành thị phần bằng cách giảm giá dịch vụ xếp dỡ container dưới mức giá thành và miễn phí một số dịch vụ hỗ trợ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của các cảng, đồng thời làm hạn chế nguồn vốn tái đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng cầu cảng và trang thiết bị.
Thấy tồn tại phải kiến nghị sửa đổi
Liên quan đến đề xuất của Công ty TNHH MTV Thạnh Thới đề nghị được nới rộng thời gian chạy tàu, giảm bớt thủ tục khi thay đổi giờ chạy hoặc tăng chuyến mỗi ngày nhằm giải quyết ách tắc tại hai đầu bến trên tuyến vận tải Hà Tiên - Phú Quốc, Bộ trưởng giao Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang trả lời. Tuy nhiên, sau phần trả lời của đại diện cảng vụ là “chưa nhận được đề đạt của Thạnh Thới, hơn nữa, theo quy định tàu chạy tuyến phải đăng ký giờ xuất bến”, Bộ trưởng Thăng đánh giá: "Nói như thế là vô cảm".
“Do thời gian hạn chế nên hàng hóa, hành khách thường xuyên bị kẹt lại hai đầu bến, gây phản cảm và bức xúc cho khách đi phà. Mình làm quản lý Nhà nước, thấy bức xúc, thấy tồn tại thì phải kiến nghị sửa đổi, hơn nữa, còn phải khuyến khích DN có sáng kiến” - Bộ trưởng chỉ rõ. Bộ trưởng yêu cầu cảng vụ Kiên Giang ngay trong tuần này phải giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
“Chúng ta là quốc gia biển, phải giàu lên từ biển. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển cảng biển, quy hoạch phát triển đội tàu biển cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ cũng sẽ quan tâm, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đặc biệt hạ tầng kết nối giữa các cảng biển với nhau, giữa cảng biển với đường sắt, đường bộ, hàng không” - Bộ trưởng nói.
Thanh Bình
Tàu treo cờ nước ngoài tuyệt đối không được vận tải nội địa
Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết, hiện tại đội tàu trong nước gần như đang đảm nhận tới 100% sản lượng vận tải nội địa, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời… Thời gian tới, theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật, việc cấp Giấy phép đối với các tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài vận chuyển nội địa sẽ được siết chặt dần. Đặc biệt, theo Bộ luật Hàng hải VN (đang được sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2016) tàu treo cờ nước ngoài tuyệt đối không được vào vận tải nội địa.
T.B |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận