Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị |
Chiều nay (4/1), tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Cục Đường thủy nội địa VN, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ghi nhận, biểu dương đơn vị này có nhiều tiến triển trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, phục vụ dịch vụ công và cải cách hành chính. Vài năm trước, Cục Đường thủy nội địa VN từ con số không, đến nay đã cung cấp dịch vụ trực tuyến, sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng đèn báo hiệu, định vị phao bằng GPS, đo đếm mực nước tự động, cấp phép phương tiện ra, vào cảng bến bằng tin nhắn…
Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng còn nhiều việc lớn, quan trọng của ngành chưa được đề cập, thể hiện trong chương trình công tác năm 2019 của Cục Đường thủy.
“Các dự án đầu tư hạ tầng lớn như: WB5, WB 6 ở phía Nam và phía Bắc đã hoàn thành, nguồn vốn dành cho bảo trì đường thủy vài năm gần đây đã tăng 10-15%, nghĩa là hạ tầng đường thủy được quan tâm đầu tư, nhằm tạo ra các trục vận tải lớn để gom hàng xuống đường thủy, giảm tải cho đường thủy. Nhưng đến thời điểm này, các dự án có đạt được mục tiêu không, tình hình thế nào, có tạo ra các trục vận tải huyết mạch không, có hiệu quả không… không thấy thể hiện trong báo cáo”, Bộ trưởng nêu ví dụ.
Toàn cảnh hội nghị |
Cùng đó, Bộ trưởng đặt hàng loạt câu hỏi cho lãnh đạo, cán bộ Cục Đường thủy nội địa VN, đề nghị trong năm 2019 ngoài các nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung vào các vấn đề, nhiệm vụ chiến lược để phát triển doanh nghiệp, đội tàu và vận tải thủy. Đó là hoàn thiện pháp chế theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tranh thủ nguồn vốn đầu tư, tạo cơ chế vận tải tốt, phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp…
“Ai cũng nói muốn kéo giảm chi phí logistics phải kéo giảm chi phí vận tải, mà kéo giảm chi phí vận tải phải kết nối vận tải tốt. Đường thủy, nếu phát triển đúng hướng thì chi phí vận tải rất thấp, nhưng không thể đơn độc mà cần kết nối. Bộ GTVT tổ chức kết nối, nhưng phải bắt đầu từ chính các Cục. Cục Đường thủy nội địa VN không thể chỉ lo chuyện của đường thủy mà còn phải tính đến kết nối từ cảng, bến với đường bộ, với lĩnh vực giao thông khác, không thể chỉ trông chờ vào ngành đường bộ”, Bộ trưởng nêu vấn đề.
Bộ trưởng cũng gợi ý, Cục Đường thủy nội địa phải là đơn vị kiên trì đề xuất các cơ chế, chính sách sáng tạo để phát triển doanh nghiệp, đội tàu, hạ tầng và vận tải để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. “Năm 2018 Cục báo cáo là hoàn thành 100% văn bản quy phạm pháp luật, nhưng sao chưa có cơ chế nào tạo đột phá đội tàu, vận tải. Lĩnh vực đường thủy có cần cơ chế như Nghị định 67 của ngành nông nghiệp để phát triển đội tàu cá không? Trong giai đoạn 2020-2025 đường thủy sẽ có kế hoạch phát triển thế nào, tập trung vào việc gì?”, Bộ trưởng nói, bày tỏ kỳ vọng đội ngũ những người làm ngành đường thủy thường xuyên trăn trở, suy nghĩ để góp sức phát triển vận tải thủy.
Tuyến vận tải thủy sông Công |
Đề cập những hạn chế khác của Cục Đường thủy nội địa VN thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị đội ngũ cán bộ chủ chốt của đơn vị này tăng cường đoàn kết nội bộ, công khai, minh bạch vì sự phát triển chung của ngành.
Trước đó, báo cáo với Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Hoàng Hồng Giang cho biết, năm 2018 ngành đường thủy đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, sản lượng vận tải đạt hơn 195 triệu khách, tăng hơn 13% so với năm trước; vận tải hàng hóa đạt hơn 288 triệu tấn, tăng hơn 15%; riêng vận tải ven biển bằng đội tàu VR-SB đạt gần 36,5 triệu tấn, tăng gần 131%.
Cùng đó, Cục Đường thủy cũng ứng dụng mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, công nghệ thông tin vào quản lý, đào tạo và dịch vụ hành chính công. TNGT đường thủy năm 2019 chỉ tăng 1 người và là năm thứ 2 giảm sâu về số vụ, người bị thương (cả năm xảy ra 83 vụ, làm 46 người chết, 6 người bị thương; giảm hơn 16% số vụ, tăng 2% người chết và giảm 62% người bị thương).
Dịp này, Bộ trưởng cũng trao 60 triệu đồng từ nguồn Quỹ Xã hội - Từ thiện Công đoàn GTVT Việt Nam tặng người lao động nghèo, có gia cảnh khó khăn của Cục Đường thủy nội địa VN để đón Tết Nguyên đán sắp tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận