Toàn cảnh phiên chất vấn tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/8 |
Sáng nay (13/8), Ủy ban TVQH chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến về các chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục - đào tạo, y tế; giải quyết việc làm, công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số...
Rất nhiều ĐBQH đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Chiến về vấn đề giao thông nông thôn và những giải pháp giải quyết khó khăn trong vấn đề này.
Đường nông thôn: Địa phương phải chủ động
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cùng tham gia trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết hiện nay, theo phân cấp quản lý, Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước T.Ư và được sử dụng ngân sách T.Ư để đầu tư, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa các tuyến quốc lộ.
Với hệ thống đường cấp tỉnh, cấp huyện và đường giao thông nông thôn, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các địa phương.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Thể cho biết, cách đây 5 năm, T.Ư đã ban hành một Đề án giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư, xây dựng đường đến trung tâm các xã chưa có đường nông thôn. Bộ GTVT cũng đã thực hiện một số chương trình xã hội để hỗ trợ đường giao thông cho các địa phương, trong đó có Dự án 186 cầu treo dân sinh cho các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng tranh thủ các nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á… để thực hiện các dự án hỗ trợ giao thông nông thôn cho các tỉnh có đông đồng bào dân tộc và những tỉnh khó khăn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, trách nhiệm chính vẫn thuộc chính quyền địa phương. Nếu ngân sách địa phương khó khăn thì các địa phương có thể xây dựng các Đề án của địa phương để báo cáo T.Ư xin hỗ trợ - Bộ trưởng Thể nói.
Cũng theo người đứng đầu Bộ GTVT, để thực hiện xã hội hoá tốt, những năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp cùng các địa phương thực hiện chương trình phát triển đường giao thông nông thôn theo hình thức kết hợp giữa vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm. Phong trào làm đường ở các thôn, các cấp ở các xã, liên xã thực hiện rất tốt.
Hiện đã có 95% địa phương trên cả nước có đường đến trung tâm xã. Với các tỉnh gần khu kinh tế lớn, các TP lớn và vùng đồng bằng, tỷ lệ đường phủ kín tốt hơn, còn các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng có nhiều sông nước thì tỷ lệ thấp hơn, nhưng bình quân cả nước là 95%. “Chúng tôi hiểu là giao thông phải đi trước một bước, nhưng trách nhiệm hiện nay gắn liền với địa phương rất nhiều“, Bộ trưởng Thể chia sẻ.
Nêu một thực tế khác, Bộ trưởng GTVT cho hay, một số tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc và những tỉnh còn nhiều khó khăn, do chia tách xã nên nhiều xã mới chưa có đường liên xã. Vì không có đề án cho từng nơi nên Bộ trưởng GTVT cho rằng các địa phương cần quan tâm tập hợp, đề xuất cùng với Bộ. Nếu cần thiết có chương trình mới, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ xin chủ trương giao Bộ làm chủ đầu tư. Nếu không, từng địa phương phải có kiến nghị để Chính phủ xem xét.
Hoàn thành 186 cầu treo, đề xuất Trung ương hỗ trợ phát triển giao thông miền núi
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời tại phiên chất vấn sáng nay - Ảnh: TTXVN |
“Các địa phương phải xuất ngân sách, cùng với nhân dân xây dựng hệ thống đường giao thông. Địa phương nào làm tốt giao thông nông thôn thì chắc chắn công tác xoá đói giảm nghèo ở địa phương đó sẽ có nhiều cơ hội thực hiện nhanh hơn”- Bộ trưởng Thể nêu quan điểm và khẳng định, mong các địa phương quan tâm, còn Bộ GTVT sẽ hỗ trợ trong khả năng cho phép.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng Thể nói thêm về vấn đề kết nối các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ với quốc lộ, nhất là các tuyến đường mới. Cùng với đó là thông tin về tiến độ của dự án xây dựng cầu treo dân sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đến nay đã hoàn chỉnh dự án cầu treo dân sinh với 186 cầu treo.
Còn chương trình đường đến trung tâm xã, ngay thời điểm kết thúc đề án đã có kết nối. Nhưng vừa qua có chia tách nhiều xã ở các vùng đặc thù, có những đường làm rồi, ở miền núi nhưng sau mỗi trận mưa lũ lại bị sạt lở, việc này, theo Bộ trưởng Thể, trách nhiệm duy tu là của địa phương.
Về kết nối, Bộ GTVT khoảng 5 năm điều chỉnh quy hoạch giao thông T.Ư một lần. Khi làm việc với các địa phương, Bộ cũng yêu cầu địa phương cứ 5 năm điều chỉnh một lần hệ thống đường tỉnh, theo đó phải có kết nối tốt với hệ thống đường quốc lộ mới phát huy hiệu quả.
“Trong quá trình làm việc với các địa phương, những đường kết nối nào ở đường tỉnh khó khăn thì chúng tôi đều ủng hộ về mặt chủ trương để cùng tỉnh báo cáo Chính phủ, xin ngân sách T.Ư hỗ trợ” - Bộ trưởng Thể nói và nhấn mạnh thêm, địa phương nào quan tâm đến quy hoạch và kết nối giao thông thì địa phương đó sẽ phát triển.
Bộ trưởng cũng lưu ý, một số vùng có thể kêu gọi Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng hệ thống giao thông khi đời sống bà con có điều kiện tương đối ổn. Những vùng đặc biệt khó khăn thì chính quyền địa phương phải trích ngân sách của tỉnh, của huyện vì bà con rất khó khăn, nếu áp dụng chính sách nhà nước và nhân dân cùng làm thì khó mà thực hiện được.
Với những vùng này, Bộ trưởng Thể hy vọng Ủy ban Dân tộc cùng với Bộ GTVT sẽ nghiên cứu những đề án đặc thù để hỗ trợ với mục đích làm sao để bà con được sử dụng hệ thống đường giao thông tốt hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận