Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình) |
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng vào sáng nay (20/4), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mong muốn nhận được các thông tin phản ánh của nhà đầu tư, nhà thầu liên quan đến những bất cập trong các thông tư, công việc của Bộ GTVT trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.
“Nhà đầu tư, nhà thầu có thể gửi trực tiếp các kiến nghị về Bộ GTVT thông qua Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông. Chúng tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu để có những điều chỉnh, bổ sung hoặc kiến nghị Chính phủ để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông được tốt hơn”, Bộ trưởng nói và cho biết, Bộ GTVT hiện nay thực hiện hai chức năng, thứ nhất là quản lý nhà nước, thứ hai là trực tiếp điều hành một số công trình giao thông trọng điểm quốc gia.
Sớm sửa Luật Đầu tư công
Đồng tình với quan điểm của Bộ Xây dựng và các ý kiến tại hội nghị về việc cần sớm điều chỉnh một số luật, nghị định, thông tư để công tác xây dựng cơ bản thực hiện tốt hơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Đầu tiên, chúng ta cần sớm hoàn thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Chúng tôi đang rất trông chờ, bởi nếu luật được ban hành sớm sẽ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, trong đó có Bộ GTVT triển khai công việc tốt hơn”.
Người đứng đầu ngành GTVT cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
“Hiện nay, hình thức đầu tư PPP là loại hình phổ biến nhất trong điều kiện nguồn vốn của chúng ta rất hạn chế, nhất là vốn đầu tư công. Nếu chúng ta không sớm điều chỉnh Nghị định 15/2015 chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực đầu tư hạ tầng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ và đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng Luật Đầu tư về PPP để hoàn chỉnh khung pháp lý, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tốt nhất và sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội đối với loại hình đầu tư bằng PPP.
Sắp tới các dự án triển khai đấu thầu quốc tế rất nhiều, trong đó có dự án cao tốc Bắc -Nam phía Đông - Ảnh minh họa |
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong quá trình thực hiện những dự án lớn cho thấy, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành còn chậm, nhất là những vấn đề thẩm định liên quan đến nhiều bộ, ngành. “Chúng ta họp nhiều lần, nhưng vẫn còn các ý kiến khác nhau, dẫn tới thủ tục triển khai dự án chậm, do đó, cần phải xem xét lại quy trình này, đảm bảo nhanh, gọn để chúng ta thực hiện tốt nhất”.
Đề nghị cấp đủ vốn đối ứng, sửa quy định đấu thầu
Vấn đề tiếp theo được Bộ trưởng đề cập tại hội nghị là nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA. Các dự án lớn hiện nay chủ yếu thực hiện bằng nguồn vốn ODA nhưng gặp rất nhiều khó khăn về vốn đối ứng. Nguồn vốn này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư dự án nhưng không có vốn đối ứng, chúng ta không giải ngân được vốn ODA.
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét một cách toàn diện để tất cả dự án ODA phải được bộ trí đủ nguồn vốn đối ứng, chỉ có như vậy mới đẩy nhanh được tiến độ giải ngân”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một số thủ tục liên quan đến đấu thầu quy định tại Nghị định 30/2015 cần nghiên cứu, xem xét để rút ngắn thời gian, bởi công tác đấu thầu, nhất là đấu thầu quốc tế nếu xét chọn kéo dài sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
"Sắp tới đấu thầu quốc tế rất nhiều, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Kiến nghị các bộ ngành sẽ tham mưu Chính phủ để vận hành trong công tác đấu thầu tốt hơn”, Bộ trưởng kiến nghị thêm, Chính phủ cần sớm xem xét lại quy trình xây dựng cơ bản.
“Những dự án thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân làm rất nhanh, chẳng hạn như sân bay quốc tế Vân Đồn chỉ triển khai hơn 1 năm đã ra sản phẩm, nhưng quy trình của chúng ta hiện nay về dự án sử dụng vốn nhà nước rất dài, thời gian chuẩn bị đầu tư dài, thực hiện đầu tư dài. Do đó, tôi đề nghị nên nghiên cứu để điều chỉnh, nếu thủ tục ngắn, việc giải ngân của chúng ta sẽ được tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận