Ngày 6/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT kiểm tra tình hình thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau). Cùng đi có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm.
Đoàn công tác của Bộ trưởng trực tiếp kiểm tra hiện trường thi công đoạn Hậu Giang - Cà Mau tại cầu Phó Sinh Cạnh Đền (tỉnh Kiên Giang), nút giao IC5 thuộc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang.
Chủ động khắc phục mọi khó khăn
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, sau một năm triển khai thi công, dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những vấn đề cốt lõi của dự án đã được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu từng bước tháo gỡ.
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vật liệu cát, nhờ nỗ lực của Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý dự án... đến nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã hỗ trợ, cung cấp cát theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Theo báo cáo, dự án còn thiếu hơn 3 triệu m3 cát đắp nền. Đây là thách thức cần tiếp tục tháo gỡ để đảm bảo tiến độ", Bộ trưởng nêu.
Nhấn mạnh giải phóng mặt bằng là yếu tố quyết định đến tiến độ, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Kiên Giang tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết dứt điểm những vị trí còn vướng trong tháng 3/2024, đặc biệt là tại vị trí cầu Phó Sinh Cạnh Đền, Cái Nhum... bàn giao cho các nhà thầu thi công.
Đối với Ban quản lý dự Mỹ Thuận, các nhà thầu, Bộ trưởng chỉ đạo tập trung, quyết liệt triển khai đắp gia tải nền đường đối với các vị trí đất yếu.
"Theo báo cáo, dự án đã đắp nền đường được khoảng 70%, còn khoảng 30% nữa, các nhà thầu cần ưu tiên đắp nền ở những vị trí nền đất yếu trong bối cảnh vật liệu còn thiếu.
Chúng ta có các mốc tháng 6, 8 và đến tháng 10/2024 là phải hoàn thành việc đắp gia tải xử lý nền đất yếu, đảm bảo thời gian gia tải 12 tháng. Sau đó triển khai thi công mặt nền, mới đảm bảo hoàn thành dự án vào cuối năm 2025", Bộ trưởng lưu ý.
Đánh giá vẫn còn một số nhà thầu chưa đảm bảo máy móc, thiết bị theo kế hoạch, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị khẩn trương huy động, tập trung thi công tại những vị trí đường găng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện toàn tuyến đường công vụ, phục vụ cho việc vận chuyển thiết bị, máy móc.
Hoàn thành dự án sớm nhất có thể
Liên quan những khó khăn về nguồn vật liệu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo Ban quản lý dự án làm việc với các địa phương có trữ lượng cát sông, hỗ trợ cung cấp 3 triệu m3 còn lại, bao gồm cấp trực tiếp và mua thương mại theo giá Nhà nước quy định.
Cùng đó, tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT, tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh hoàn thành nhanh các thủ tục cấp mỏ cát biển trong tháng 3/2024 để tháng 4/2024 bắt đầu khai thác.
"Các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát quyết liệt, thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký. Đặc biệt là việc huy động thiết bị, nhân công, đảm bảo thi công nhanh nhất đối với các vị trí đã được bàn giao mặt bằng.
Phấn đấu hoàn thành dự án sớm nhất có thể, chậm nhất là 31/12/2025 phải hoàn thành để đảm bảo toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác, phục vụ người dân", Bộ trưởng chỉ đạo.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, sản lượng xây lắp của dự án đến nay đạt hơn 22%, chậm 6,6% theo kế hoạch.
Các nhà thầu hiện đã đào nền đường tuyến chính được khoảng 94%, đắp cát nền đường được hơn 2,5 triệu m3. Riêng đường công vụ đã thi công đắp cát nền đường khoảng 94%. Toàn tuyến có 126 cầu, các nhà thầu đã triển khai thi công được 93 cây, đạt 79%.
Về công tác bàn giao mặt bằng, đến nay các địa phương đã bàn giao hơn 99%. Trong đó, đủ điều kiện thi công khoảng 97%. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là đoạn qua tỉnh Kiên Giang còn 22 hộ dân, tương đương với 2km, chưa bàn giao mặt bằng.
Cao tốc Cần Thơ- Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.523 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.
Dự án được phân thành hai dự án thành phần gồm: Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km, mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 73 km, tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận