Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng cần kiên quyết trong việc nâng công suất cho sân bay Tân Sơn Nhất. |
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại cuộc họp Chính phủ trực tuyến chiều 3/7.
Sau khi nghe kiến nghị của một số địa phương về các vấn đề liên quan đến giao thông, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã có báo cáo làm rõ các ý kiến.
Nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất: Không quyết liệt sẽ có nhiều "bất thường"
Liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ xảy ra nhiều cái "bất thường". "Trong khi công suất cho phép là 28 triệu khách, nhưng năm 2016 đã đạt 32,5 triệu khách, năm 2017 sẽ có khoảng 36 triệu khách thông qua sân bay này. Chúng tôi rất lo lắng về tiến độ nâng công suất tiếp nhận của sân bay Tân Sơn Nhất" - Bộ trưởng Nghĩa chia sẻ.
Một số dự án các địa phương quan tâm như Cảng hàng không Cát Bi, Phú Bài, Chu Lai..., Bộ GTVT sẽ có báo cáo trong tháng 7 và sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư.
Về các kiến nghị của địa phương đối với các dự án giao thông cụ thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết hiện nay nguồn kinh phí trung hạn cho ngành mới được khoảng 31% cho 5 năm tới, và dự kiến với số liệu này thì tới năm 2018 sẽ không còn tiền. "Chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại tất cả các khả năng và nguồn vốn. Bộ GTVT sẽ rà soát và báo cáo Thủ tướng sớm" - Bộ trưởng Nghĩa nói.
Đề cập đến tình hình tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng tháng 6 là một tháng đặc biệt khi đã kéo giảm tai nạn giao thông chung cho cả 6 tháng.
Kết quả 6 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia, sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương, tai nạn giao thông giảm sâu về cả 3 tiêu chí. Tai nạn giao thông giảm 636 vụ, số người chết giảm 229 người (5,22%), số người bị thương giảm 1.041 người, giảm 11,23%.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng GTVT, tai nạn đường sắt trong quý 2 gần như kéo giảm hoàn toàn. Tự chủ, tự quản trong ngành Đường sắt trong đã tạo ra nhiều chuyển biến, nhất là việc kết hợp với các địa phương làm các tuyến đường gom và giám sát đường ngang dân sinh.
Năm 2020, hoàn thành cao tốc Trung Lương - Cần Thơ
Với kiến nghị của Cần Thơ về tuyến đường cao tốc Trung Lương – Cần Thơ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá đây là dự án rất quan trọng đối với khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo Bộ trưởng, tuyến đường này gồm hai gói thầu, với gói Trung Lương – Mỹ Thuận thì vừa qua Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 2 ngân hàng tham gia, tiền giải phóng mặt bằng đã chuyển cho Tiền Giang đủ dự kiến là 760 tỷ để tháng 7 này sẽ triển khai khởi công lại dự án.
"Từ năm 2010 đến nay dự án này đã khởi công đi khởi công lại nhiều lần, vừa qua chúng tôi đã rà soát lại. Chúng ta sẽ yên tâm về tiến độ, sẽ về đích trước năm 2019. Với gói Mỹ Thuận – Cần Thơ thì trong tháng 7 sẽ phê duyệt đề án tiền khả thi và sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư trong quý 4, chúng tôi quyết tâm về đích trước năm 2020" - Bộ trưởng thông tin.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết thêm, Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng số vốn khoảng 10.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 3.600 tỷ; gói Mỹ Thuận – Cần Thơ có tổng số vốn khoảng 5.600 tỷ, nhà nước hỗ trợ khoảng 1.500 tỷ, và cho đến nay, phương án tài chính như vậy đã tương đối khả thi, chúng ta hoàn toàn có cơ sở khẳng định sẽ đảm bảo được tiến độ.
Về đề xuất làm cao tốc Ninh Bình – Thanh Hoá, Bộ trưởng Nghĩa cho biết đây là đoạn tuyến nằm tuyến cao tốc Bắc - Nam đang xin Quốc hội cho chủ trương đầu tư. Bộ GTVT đã trao đổi với tỉnh, nếu Thanh Hoá đứng ra làm đại diện chủ đầu tư tại đó và dùng vốn địa phương thì có thể làm sớm hơn, còn không thì vẫn nằm trong danh sách các dự án đang đề xuất.
Tại cuộc họp, lưu ý giao thông là vấn đề cấp bách, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần chuẩn bị tốt nhất cho dự án cao tốc Bắc Nam trước khi trình ra Quốc hội để xin chủ trương đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận