Sáng 6/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm ATGT đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề cập đến nhiều vấn đề nóng đang được Bộ GTVT tập trung thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh quan điểm đảm bảo ATGT là trách nhiệm lớn và đặc biệt quan trọng với ngành GTVT, tuy nhiên để thực hiện tốt mục tiêu này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì Bộ GTVT, Bộ Công an hay Bộ Y tế, mà phải có nhận thức chung trong chỉ đạo mới mong đạt được hiệu quả.
Không chỉ xử lý lái xe gây tai nạn, phải truy cứu trách nhiệm cả chủ DN
Đề cập đến vấn đề về thể chế, Bộ trưởng GTVT cho rằng hiện nay một số Luật, Nghị định và quy định của chúng ta chưa đảm bảo sức răn đe.
“Ví dụ, những TNGT nghiêm trọng liên quan đến người sử dụng ma tuý thì rõ ràng đây là trách nhiệm hình sự, anh vi phạm dẫn đến chết người nhưng mức phạt theo luật, nghị định hiện nay còn thấp, có thể chúng ta tước GPLX trong một thời gian khoảng 2 năm trở lại, nhưng vẫn cho tiếp tục sử dụng sau đó. Những tai nạn thế này là không mong muốn, nhưng chúng tôi mong khi điều chỉnh luật hay nghị định thì mức xử lý phải nặng hơn” – Bộ trưởng Thể dẫn chứng.
Hay như việc ứng dụng công nghệ thông tin để phạt nguội, Bộ trưởng cho rằng đây là xu thế chung, nhưng luật và các quy định về sử dụng hình ảnh để xử phạt cũng chưa hoàn chỉnh, do đó, dù chúng ta trang bị, bố trí camera tương đối nhiều nhưng xử lý hiện nay vẫn chưa được tốt. “Chúng tôi mong tới đây khi điều chỉnh Luật GTĐB cũng như các Nghị định phải theo hướng đảm bảo sức răn đe, để người dân ý thức được việc chấp hành giao thông”, Bộ trưởng Thể nói.
Về cơ chế phối hợp, người đứng đầu ngành GTVT cho biết Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong việc chuyển các dữ liệu giám sát hành trình, chuyển những trung tâm giám sát ở các quốc lộ, các khu vực trọng điểm cho công an để sử dụng số liệu đó phục vụ cho việc xử lý, từ đó tăng cường công tác quản lý Nhà nước và xử phạt.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, và một số vụ liên quan đến TNGT cũng phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo ông, đây là việc nên làm.
Một vấn đề khác là thực tế lâu nay chúng ta chỉ xử lý lái xe mà chưa xử lý vấn đề gốc rễ là DN thuê lái xe. Theo Bộ trưởng, DN thuê lái xe phải có trách nhiệm ký hợp đồng và giám sát, khi để lái xe sử dụng ma tuý gây tai nạn nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm của DN. Hoặc nếu DN có phương tiện mà khoán trắng cho lái xe cũng là không làm hết trách nhiệm, bởi nếu không có việc giao phương tiện thì không xảy ra tai nạn.
Bộ trưởng Thể cho biết ở một số nước, trong đó có Trung Quốc, nếu lái xe vi phạm nghiêm trọng sẽ bị tịch thu bằng vĩnh viễn. "Theo tình hình Việt Nam hiện nay, chúng tôi đang đề xuất nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng thì một là thu hồi vĩnh viễn bằng lái, không cho người đó lái xe nữa, hoặc tăng thời gian thu hồi bằng trong vòng 10- 15 năm để bảo đảm tính răn đe. Các tai nạn hiện nay chủ yếu rơi vào ý thức chấp hành của lái xe là chủ yếu", Bộ trưởng cho biết.
Nhấn mạnh cần xử lý nghiêm theo những gì khung pháp luật đã quy định, Bộ trưởng Thể cho rằng nếu làm nghiêm chắc chắn ý thức xã hội sẽ từng bước chuyển biến.
“Hiện nay, hệ thống camera của ta rất nhiều, nếu ta có đầy đủ khung pháp lý, chúng ta cho hàng trăm cán bộ chiến sĩ trích xuất từ các camera và xử phạt hàng loạt các vi phạm ở các ngã ba, ngã tư, về hành vi đỗ xe trái quy định hay vượt đèn đỏ…, thì chắc chắn người ta không dám phóng nhanh vượt ẩu” – Bộ trưởng Thể nói.
Người đứng đầu ngành GTVT cũng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý các điểm đen. Trong năm 2018 đã xử lý hơn 200 điểm đen. Năm 2019, theo số liệu của Tổng Cục đường bộ VN chỉ còn 44 điểm đen nên năm nay sẽ xử lý 44 điểm đen và 160 điểm tiềm ẩn nguy cơ là điểm đen.
Vừa qua, đã xử lý ở một số điểm đen như đèo Lò Xo và một số đèo, tăng cường biển báo, hướng dẫn và đưa ra các giải pháp trách nhiệm.
Liên quan đến công tác duy tu, sửa chữa đường bộ, Bộ GTVT đang chuẩn bị trình Đề án lên Chính phủ.
“Về việc xử lý các tuyến đường hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến tiềm ẩn tai nạn, chúng tôi đã giao cho các cơ quan liên quan. Trong các cuộc họp chúng tôi nói rõ tinh thần các đơn vị duy tu sửa chữa đường bộ, nếu vị trí nào xảy ra nhiều tai nạn, chúng tôi sẽ truy cứu trách nhiệm của các đồng chí được phân công. Mỗi một khu vực đều có các Chi cục, các các Chi cục phải có trách nhiệm phản ánh kịp thời, đề ra các giải pháp làm sao để đảm bảo, còn nếu không, để xảy ra tai nạn chúng tôi quy trách nhiệm ngay tức khắc”, Bộ trưởng Thể thông tin.
Đề xuất đưa vào chương trình đào tạo lái xe nhiều tình huống "vi phạm nghiêm trọng"
Về công tác đào tạo sát hạch lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã chỉ đạo sẽ tập trung cao độ.
Theo đó, cuối năm 2018 đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo cấp GPLX, thay đổi nội dung giảng dạy, tăng cường giám sát chất lượng giảng dạy, giám sát kiểm tra và đưa ra các tình huống tập lái xe trong sa hình.
Bộ cũng đang đề xuất đưa vào chương trình học và thi một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng, ví dụ vi phạm ở những đoạn đường đèo hay giao với đường sắt, nếu người học và thi mà vi phạm những tình huống này thì sẽ cho rớt ngay và không cấp phép, bởi đây là những vi phạm nghiêm trọng mà nếu mắc phải sẽ rất khó khắc phục.
“Hiện nay theo số liệu chúng tôi nắm được của các cơ sở đào tạo, 100 người thi thì chỉ xét 58% trúng tuyển, còn hơn 40% phải thi lại lần 2, lần 3”, Bộ trưởng Thể thông tin.
Ông cho biết, tất cả các cơ sở đào tạo lái xe hiện nay là xã hội hoá, và các Nghị định, thông tư được điều chỉnh lại cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Theo đó, với những cơ sở vi phạm có thể thu hồi giấy phép vĩnh viễn để bảo đảm tính răn đe. "Nếu các đồng chí phát hiện được những vụ việc liên quan đến các trung tâm thì đề nghị cơ quan pháp luật xử lý thật nghiêm, vì các cơ sở này đào tạo ra lái xe, mà lái xe gây tai nạn chết người. Đây là loại hình đào tạo đặc biệt, cần xử lý nghiêm một số cơ sở đào tạo để bảo đảm các cơ sở khác phải có điều chỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo", Bộ trưởng Thể nói.
Ông cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an để liên kết, cung cấp thông tin về những trường hợp bằng giả, vi phạm.
Xử lý trách nhiệm địa phương nếu tự ý mở đường giao cắt với đường sắt
Liên quan đến việc đảm bảo ATGT đường sắt, Bộ trưởng Thể cho biết, hiện chúng ta có hơn 7.500 đường giao cắt.
Tuy nhiên, ngành giao thông không thể bố trí con người dày đặc trên các tuyến đường sắt được mà việc này thuộc trách nhiệm của các địa phương. Phó thủ tướng Thường trực cũng đã giao trách nhiệm rất rõ, địa phương nào để phát sinh các lối đi tự mở thì phải xử lý trách nhiệm của cán bộ chính quyền địa phương (cán bộ xã, cán bộ nắm địa bàn).
"Tôi đề nghị chúng ta nên xử lý một vài trường hợp điển hình để làm gương. Nếu xử lý nghiêm một số cán bộ cấp xã, huyện, thậm chí là tỉnh thì tôi nghĩ không ai dám cho mở lối đi tự mở nữa. Còn nếu mở như hiện nay, phát sinh liên tục thì làm sao quản lý được?", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Ông cũng cho biết đang xây dựng đề án với kinh phí gần 8.000 tỉ để tập trung làm một số đường gom, cầu vượt và đóng một số ngả giao cắt…
"Trong phạm vi trách nhiệm của mình, tôi xin hứa ở góc độ Bộ và các cơ quan trực thuộc Bộ, chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu, cố gắng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cố gắng phấn đấu tốt nhất để làm sao giảm dần các khiếm khuyết của hệ thống đường, tăng cường phối hợp với các địa phương để hạn chế hành vi vi phạm pháp luật ATGT", Bộ trưởng Thể cam kết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận