Chiều nay (29/8), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).
Báo cáo Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, thời gian qua, công tác rà soát, sửa đổi, xây dựng văn bản QPPL của Bộ GTVT được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015. Trong đó, Bộ đã ban hành Thông tư 21 và Thông tư 47 quy định về xây dựng, ban hành, hợp nhất văn bản QPPL.
Các thông tư này đã quy định rõ quy trình soạn thảo văn bản QPPL cũng như trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình xây dựng. Trong năm 2019, Bộ GTVT đã ban hành các quyết định về chương trình xây dựng văn bản QPPL và rà soát, công bố các văn bản hết hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, đăng ký với Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội thông qua.
Bộ GTVT cũng có ý kiến kiến nghị với Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT, Bộ TN&MT và Văn phòng Chính phủ về các nội dung vướng mắc khi thực hiện các luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, đề xuất xây dựng Luật PPP... Bên cạnh đó rà soát, lập danh mục văn bản về các chuyên đề tài nguyên và môi trường; Rà soát các văn bản QPPL có quy định về điều kiện kinh doanh để cắt giảm, đơn giản các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT...
Bà Nga cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, Bộ GTVT đã có hai văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định sửa đổi, bổ sung. Đối với các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị đã trình Bộ trưởng 8/9 dự thảo thông tư; Bộ đã ban hành 4 thông tư, còn 4 thông tư chưa được ban hành.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn trong công tác xây dựng văn bản QPPL lĩnh vực GTVT, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch, tiến độ trình cấp có thẩm quyền, tiến độ ban hành. Trong đó, nhiều lĩnh vực GTVT nhạy cảm, nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội nên trong quá trình xây dựng dự thảo, phải tiếp thu ý kiến Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, điều chỉnh nhiều lần. Mặt khác, cần xây dựng kịp thời các cơ chế, các quy định dưới luật để áp dụng trong thực tế quản lý, điều hành cho hiệu quả; nhất là các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kĩ thuật hiện còn thiếu, lạc hậu...
Cho rằng công tác xây dựng văn bản QPPL của Bộ GTVT năm 2019 còn chậm so với kế hoạch tiến độ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Cục, Vụ tập trung, quyết liệt đẩy mạnh tiến độ công tác này để hoàn thành kế hoạch cả năm.
“Quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng văn bản. Thực tế đã có văn bản không đi vào cuộc sống hoặc vừa ban hành đã bị dư luận xã hội phản ứng. Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo cần phải bàn thảo kĩ, lấy ý kiến rộng rãi, sao cho đảm bảo chất lượng văn bản, đi vào được thực tiễn cuộc sống”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Pháp chế nghiên cứu lại Thông tư số 21/2016 và Thông tư số 47/2017, từ đó đề xuất điều chỉnh, sao cho có được quy trình chặt chẽ trong công tác xây dựng văn bản QPPL của Bộ GTVT. Đồng thời quy rõ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc chủ trì xây dựng văn bản QPPL, trách nhiệm khi chất lượng văn bản không đạt yêu cầu.
Đối với Thủ trưởng các Cục, Vụ cần rà soát lại công tác xây dựng văn bản QPPL của đơn vị; lập kế hoạch, lịch trình xây dựng văn bản QPPL. Đặc biệt, phải cử cán bộ am hiểu, có năng lực, trách nhiệm tham gia vào các ban soạn thảo nhằm nâng cao chất lượng văn bản QPPL.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận