Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu tại cuộc họp với UBND tỉnh Bình Thuận chiều 25/8. |
Tham dự có thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách UB ATGT Quốc gia và các cơ quan của Bộ GTVT.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Hệ thống giao thông trên địa bàn Bình Thuận gồm 4 tuyến Quốc lộ, 16 tuyến đường tỉnh, 1 tuyến vận tải đường biển từ Phan Thiết đi đảo Phú Qúy, tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy dọc chiều dài tỉnh khoảng 180km. Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Bộ GTVT, đến nay hệ thống Quốc lộ được đầu tư nâng cấp, cải tạo đã cải thiện đáng kể năng lực lưu thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Ông Hai cho biết thêm, hiện tuyến QL55 đoạn Bà Rịa-Vũng Tàu đến QL1 (Bình Thuận) dài 45km, tuyến QL28B dài 52km chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng làm ảnh hưởng đến năng lực lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Bộ GTVT đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến QL55 đoạn km52+640-km97+692 (tuyến đã được Bộ phê duyệt). Đến nay, dự án chưa được triển khai do chưa bố trí được nguồn vốn. Đây là trục giao thông đối ngoại quan trọng, kết nối tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị sớm triển khai cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết. |
Đối với dự án sân bay Phan Thiết, đến nay nhà đầu tư đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ thiết kế, dự kiến chính thức thi công trong tháng 9/2016. Để tạo điều kiện phát triển sân bay Phan Thiết thành CHK quốc tế trong giai đoạn sau, tỉnh kiến nghị Bộ GTVT thống nhất chủ trương, cho phép đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch đến năm 2030 ngay trong giai đoạn 2020. Đầu tư đường cất hạ cánh dài 3.050m, kết cấu đường cất hạ cánh và các hạng mục công trình đảm bảo theo tiêu chuẩn phục vụ tàu bay nhóm E.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Bộ xem xét, cho phép nâng cấp các tuyến Tỉnh lộ ĐT 766, ĐT 717, ĐT 721 thành tuyến QL55B. Trong thời gian thi công QL1, đường ĐT 719 là tuyến đường ngang nối QL1 với QL55, đồng thời là trục đường ven biển quốc gia qua Bình Thuận bị nhiều xe vận chuyển vật liệu đi vào nên xuống cấp nghiêm trọng. Tỉnh kiến nghị Bộ hỗ trợ kinh phí sửa chữa cải tạo để đảm bảo ATGT.
Một đoạn QL1 qua huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. |
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, tình hình TNGT trên QL1 đoạn Phan Thiết-Đồng Nai diễn biến phức tạp. Do đó tỉnh đề nghị Bộ sớm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm triển khai dự án và bố trí vốn thực hiện chi trả bồi thường GPMB.
Đối với dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, tỉnh đã hoàn thành xong công tác kiểm kê, phê duyệt phương án bồi thường với kinh phí khoảng 218 tỷ đồng. “Sau khi hoàn thành tuyến đường cao tốc này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế du lịch, kết nối giao thông vùng và góp phần kéo giảm TNGT qua địa bàn tỉnh”, ông Hai cho hay.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong những năm qua đã đạt được những kết quả khả quan. Bộ trưởng cơ bản thống nhất ý kiến đề xuất của tỉnh Bình Thuận. Tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết là một trong những đoạn tuyến quan trọng, thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ kéo TP.HCM gần Bình Thuận hơn.
Bộ GTVT đang rất tập trung để sớm triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam. Bộ trưởng dẫn chứng tầm quan trọng và hiệu quả đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam như Hàn Quốc sau khi hoàn thành tuyến cao tốc đã thay đổi bộ mặt, được đánh giá là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước này. Đối với dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Bộ đang làm việc với Ngân hàng Thế giới và hoàn tất các thủ tục liên quan để sớm khởi công dự án, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.
Đối với dự án QL28B, QL55 không chỉ có Bình Thuận đề xuất, về phía Bộ GTVT rất ủng hộ. Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ VN khảo sát, đánh giá sớm hoàn thiện có phương án đề xuất Chính phủ bố trí vốn. Đối với đề nghị mở rộng mặt đường QL1 đoạn Phan Thiết-Đồng Nai, Bộ trưởng cho biết chỉ cải tạo, mở rộng một số đoạn tiềm ẩn tai nạn cấp bách chứ không thể mở rộng toàn tuyến, vì sắp tới sẽ triển khai cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.
Đơn vị thi công tiến hành lắp đặt dải phân cách trên QL1 đoạn qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai chiều 25/8. |
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng nhận định, việc kết nối các tuyến Quốc lộ, đường ven biển kết nối tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là rất cần thiết. Đây là một trong những tiền đề để phát triển du lịch biển hai tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương chủ đầu tư, rà soát các điểm đen TNGT. Hiện tại chủ đầu tư là Chi nhánh 319 Sông Phan đã đúc được khoảng 18km dải phân cách, để lắp tại các điểm đen có nguy cơ tai nạn đối đầu.
Ông Hoàng Đình Phúc-TGĐ Ban QLDA 1 cho biết thêm, hiện nay nhà đầu tư đang chỉ đạo các nhà thầu đúc dải phân cách và khẩn trương lắp đặt một số vị trí, thi công cải tạo các điểm đen TNGT trên tuyến QL1 đoạn Phan Thiết-Đồng Nai. Dự kiến, công tác khắc phục cải tạo các vị trí được phê duyệt và lắp dải phân cách sẽ hoàn thành trong tháng 10/2016.
Về tình hình ATGT, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia thông tin cho biết, 7 tháng đầu năm 2016 tình hình TNGT diễn biến phức tạp. Ngoài những bất cập về hạ tầng giao thông trên tuyến QL1 đang được khẩn trương khắc phục, ông Hùng cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận tăng cường công tác đảm bảo ATGT. Tăng cường bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát tại các “điểm đen”, siết chặt công tác vận tải hành khách, rà soát khám sức khỏe và loại những lái xe nghiện ma túy, vi phạm nồng độ cồn… Trong những tháng cuối năm, cần tiếp tục tuyên truyền Nghị định 46 về xử lý vi phạm ATGT đường bộ, đường sắt.
>>>Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận