Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp |
Tại cuộc họp về Đề án xác định nhu cầu vốn bảo trì quốc lộ đến năm 2030 được Bộ GTVT tổ chức vào chiều nay (18/10), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, phải đánh giá lại đúng thực trạng, sát thực tế công tác bảo trì đường bộ để báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Trên tổng số 24 nghìn km quốc lộ, phải chia nhỏ các khu vực như: vùng núi Tây Bắc, vùng đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ… và phải thống kê rõ diện tích, dân số, tình trạng hư hỏng của quốc lộ tại từng khu vực.
“Cần đánh giá về sự cần thiết của bảo trì đường bộ, tổng số hơn 24.000 km quốc lộ hiện nay giá trị bao nhiêu triệu tỷ đồng. Tài sản hàng triệu tỷ đó đang xuống cấp thế nào, trong khi mỗi năm số tiền dành cho bảo trì nó rất ít ỏi, chỉ chiếm 1% tổng giá trị tài sản đường bộ, để thấy được số tiền bỏ ra duy trì quá thấp so với giá trị tài sản đang quản lý”,Bộ trưởng chỉ đạo.
Về tiêu chí tính toán đơn giá, định mức bảo trì đường bộ, Bộ trưởng yêu cầu cần rà soát lại, trong đó phải tham khảo các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng Việt Nam để có con số tổng quan, rõ ràng về cách tính thời gian trung tu, đại tu đường phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần phải tính toán được khấu hao xe trong điều kiện đường hư hỏng để đưa vào đề án chứng minh tầm quan trọng của đề án.
Trước đó, báo cáo về đề án, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, qua 6 năm thành lập Quỹ bảo trì đường bộ, nguồn vốn từ Quỹ dành cho công tác bảo trì đường bộ tuy được cải thiện, năm 2018 nguồn thu cho Quỹ thu được trên 10 nghìn tỷ, nhưng cũng mới đáp ứng được trên 30% nhu cầu. Theo ông Huyện, tính đến năm 2018, còn tới trên 16 nghìn km bằng 66% tổng chiều dài mạng lưới quốc lộ đã quá thời gian sửa chữa định kỳ. Trong đó có trên 10.500 km đã quá thời hạn trung tu và trên 5.500 km qúa thời kỳ đại tu do thiếu nguồn vốn.
Về xác định nhu cầu vốn quản lý, bảo trì quốc lộ đến năm 2030, ông Huyện cho biết, căn cứ vào khối lượng, đơn giá và trượt giá, nhu cầu vốn dành cho công tác bảo trì đường bộ giai đoạn 2019 - 2030 theo phương án cơ sở là gần 300.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2019, nhu cầu cần đến trên 49.000 tỷ đồng.
“Việc xác định nhu cầu vốn được tính toán đảm bảo khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định pháp luật, đảm bảo tính đúng, đơn giá vật liệu, nhân công, máy được tính toán cho từng loại địa hình đồng bằng, trung du, miền núi và tổng hợp từ giá vật liệu, nhân công, máy trung bình các tỉnh trong vùng”, ông Huyện nói và đề xuất: “Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, để đảm bảo tính khả thi trong bố trí vốn, cần xem xét phương án điều hoà nhu cầu vốn, đảm bảo vừa đáp ứng việc bảo trì quốc lộ theo chu kỳ, vừa khả thi trong bố trí ngân sách hàng năm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận