Muốn giảm giá xăng dầu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp
Sáng 2/6, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình 3 vấn đề cử tri quan tâm, đó là thu ngân sách nhà nước, thu thuế bất động sản - thị trường chứng khoán và thuế xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Liên quan đến có ý kiến "cần phải giảm giá xăng dầu", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp. Mà muốn giảm giá xăng dầu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Các loại thuế chiếm khoảng 28% trong giá xăng đầu, vừa qua đã giảm 50% thuế môi trường. Còn lại là thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, một số thuế khác thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội", ông Phớc thông tin.
"Giảm thuế là một biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc để đánh giá tác động; sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Thường vụ Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng dầu", ông Phớc cho biết.
Bên cạnh giải pháp giảm thuế, ông Phớc kiến nghị thắt chặt hơn việc chống buôn lậu xăng dầu khi giá xăng dầu trong nước so với giá Lào chênh nhau 11.000 đồng, giá tại Campuchia, Thái Lan cũng chênh. Một vấn đề nữa là thúc đẩy nguồn cung, làm thế nào để nâng công suất 2 nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất.
Bộ trưởng Bộ Công thương: Ép giá xăng dầu thật thấp có thể gây thiệt hại
Trước đó, chiều 1/6, bên hành lang kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trả lời về vấn đề giá xăng dầu tăng, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, giá xăng dầu Việt Nam hiện vẫn thấp hơn giá xăng thế giới.
Do chênh lệch giá như vậy nên có tình trạng buôn lậu xăng dầu, xăng dầu trong nước chảy ra nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, nói giá xăng dầu tăng cao làm tăng giá hàng hoá, làm chương trình phục hồi kinh tế bị đổ vỡ là không sai, nhưng phải hiểu rằng nền kinh tế của nước ta có độ mở rất cao, hàng hoá làm ra chủ yếu để xuất khẩu.
Nếu ép giá đầu vào để giảm giá thành sản phẩm sẽ không phản ánh đúng giá trị thực tế; vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.
"Hàng hoá của Việt Nam sản xuất ra để bán cho người tiêu dùng, để xuất khẩu. Giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị thì có phải thiệt hại không", ông Diên nói.
Theo ông Diên, hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Nếu ta ép giá đầu vào thì sẽ vướng phải các vụ kiện về hành vi chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí còn bị kiện về hành vi thao túng tiền tệ. Đấy là chưa kể tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới cũng là vấn đề nhức nhối.
"Trong lúc này, để kiểm soát giá xăng dầu, một mặt phải dùng các công cụ, bao gồm cả thuế phí, tăng cường kiểm soát thị trường để giảm giá. Còn trường hợp giá tiếp tục tăng thì dùng chính sách an sinh, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Có như vậy mới hài hoà cả trong lẫn ngoài.
Còn nếu chỉ nghiêng theo hướng ép giá thật thấp, vô hình trung gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế đất nước", ông Diên cho hay.
Từ 15h 1/6, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, giá xăng RON 95 đã tăng 920 đồng/lít, lên mức 31.570 đồng mỗi lít (giá lập đỉnh, cao nhất từ trước tới nay); xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít, lên mức 30.230 đồng mỗi lít.
Giá dầu DO 0,05s-II tăng 840 đồng/lít, lên mức 26.390 đồng/lít; dầu hoả tăng 940 đồng, lên mức 25.340 đồng/lít, dầu mazut tăng 310 đồng, lên mức 20.900 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 10 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu vẫn khá "nhỏ giọt".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận