Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đặt câu hỏi về việc sử dụng vốn vay ODA cho 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều chậm tiến độ.
“5 dự án này đội vốn dự kiến khoảng 80.000 tỷ đồng,” đại biểu Phan Thái Bình thông tin và đặt câu hỏi về nguyên nhân và trách nhiệm trong quản lý điều hành và sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thời gian qua và giải pháp thời gian tới.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, xung quanh câu chuyện thu hút, quản lý, sử dụng ODA có rất nhiều vấn đề.
“Nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ, chúng tôi cho rằng, đây là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên Việt Nam chúng ta thực hiện, nên hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực của chúng ta từ tư vấn đến cơ quan quản lý chưa theo kịp, chưa đáp ứng được”, Bộ trưởng Dũng nhìn nhận.
Theo Bộ trưởng Dũng, nguyên tắc sử dụng nguồn ODA là thu hút công nghệ, kinh nghiệm quốc tế nên các nhà thầu tư vấn nước ngoài lập dự án và các cơ quan của ta xem xét phê duyệt. Nhưng chúng ta không lường hết được từ khâu đầu đến khâu cuối dự án. Đây là các dự án rất lớn, rất phức tạp nên từ lúc phê duyệt cho đến khi triển khai thực hiện đã điều chỉnh tăng vốn rất lớn. Tuyến đường sắt đô thị thứ nhất của TP Hồ Chí Minh đã tăng từ 17 nghìn đến 47 nghìn tỷ, tăng 30 nghìn tỷ. Dự án của Hà Nội cũng thế, tăng khoảng 40-50 nghìn tỷ.
“Ở đây là chúng ta không lường hết được quy mô và hạng mục dự án nên phải điều chỉnh. Có chuyện tính chưa hết, tính chưa đầy đủ nhưng do chưa triển khai nên đội vốn cũng ở chừng mực thôi”, Bộ trưởng Dũng lý giải.
TP Hồ Chí Minh đang thẩm định lại để quyết định phê duyệt điều chỉnh lại dự án trên cơ sở đó thống nhất với Bộ Tài chính về phương án vay và cấp phát giữa nhà nước và địa phương. Nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn cũng đã được cân đối, do vậy có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện.
Tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc quản lý, sử dụng vốn ODA, đặc biệt liên quan đến việc 5 dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay, một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là giao dự toán chậm, giao kế hoạch cũng chậm. Cùng với đó trong quá trình thực hiện lại điều chỉnh dự án, hay những vấn đề nội tại như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng…. làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
"Chúng tôi cho rằng vấn đề này cần báo cáo thêm với Chính phủ để có bước phân công hợp lý hơn", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Tài chính cũng nêu rõ việc chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, sau đó mới là trách nhiệm các bộ ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận