Thông lệ thế giới, nhà nước nắm vai trò chủ đạo tại các cảng hàng không lớn, quan trọng của quốc gia
Trước đó, báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Hội đồng thẩm định nhà nước đã đề nghị Thủ tướng giao ACV thực hiện Dự án thành phần 3 các công trình thiết yếu của cảng hàng không (dự kiến khoảng hơn 93 nghìn tỷ đồng).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trên cơ sở các nhóm hạng mục công trình của Dự án được Bộ Giao thông vận tải phân loại và đề xuất hình thức đầu tư, Hội đồng thẩm định nhà nước đã căn cứ quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, các ý kiến chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ phân tích đánh giá về cơ sở pháp lý của việc giao chủ đầu tư dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu của Cảng hàng không.
Theo đó, về pháp lý, Điều 156 Luật Đất đai năm 2013, đất xây dựng công trình hàng không sẽ không phải thực hiện đấu giá đất.
Nghị định 46/2015 của Chính phủ quy định công trình nhà ga hàng không được phân cấp là công trình dân dụng. Do đó, các hạng mục này không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Nghị định số 25 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Do vậy, việc lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện các hạng mục của Dự án thành phần 3 không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.
Về tiến độ đầu tư, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng Dự án giai đoạn 1 là chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Tại Báo cáo thẩm định Dự án, Hội đồng thẩm định nhà nước đã lưu ý kết quả đánh giá của Tư vấn thẩm tra cũng như giải trình của Bộ GTVT thì tiến độ dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 là khó khăn. Do đó, việc giao ACV là chủ đầu tư Dự án thành phần 3 sẽ bảo đảm đáp ứng tiến độ yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Về bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia, cảng hàng không quốc tế Long Thành là nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng, căn cứ dự bị của sân bay Biên Hòa, phục vụ cho tác chiến của lực lượng phòng không - không quân trong việc bảo vệ vùng trời, biển đảo phía Nam của Tổ quốc cũng là cửa ngõ quốc gia tiếp đón chuyên cơ của các nguyên thủ quốc gia, nơi tập trung lớn số lượng người dân, khách du lịch trong nước và quốc tế.
Do đó, mọi hoạt động tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, khai thác cảng với các lực lượng quân đội, công an. Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới thì Nhà nước nắm vai trò chủ đạo tại các cảng hàng không lớn, quan trọng của quốc gia.
Hiện nay, ACV là doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần chi phối (95,4%) về khai thác cảng hàng không. Kể từ ngày 1/1/2021, ACV sẽ là Doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp nên việc Nhà nước chỉ đạo ACV thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh tại cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ thuận lợi, bảo đảm xuyên suốt quá trình khai thác, vận hành Dự án.
Mặt khác, lực lượng an ninh hàng không của ACV (khoảng 3.500 người) thực hiện đảm bảo an ninh hàng không tại 22 cảng hàng không trên phạm vi cả nước đã có kinh nghiệm trong việc phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các chính quyền địa phương thực hiện tốt việc đảm bảo quốc phòng, an ninh từ nhiều năm qua cũng như việc giao cho ACV là chủ đầu tư Dự án sẽ giữ được nguồn lợi kinh doanh từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho Quốc gia và bảo đảm sự quản lý của Nhà nước và phù hợp với kinh nghiệm quản lý cảng hàng không của các quốc gia trên thế giới.
ACV đủ năng lực tài chính để đảm nhận
Tại Báo cáo thẩm định Dự án số 6359/BC-HĐTĐNN, Hội đồng thẩm định nhà nước đã đánh giá ACV đáp ứng đủ nguồn vốn tự có (36.102 tỷ đồng) và nguồn vốn vay (56.986,3 tỷ đồng) được các tổ chức tín dụng cam kết cho vay với khả năng lên đến 143.000 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho hay: Vốn tự có của ACV đến từ 2 nguồn. Thứ nhất là 29.225 tỷ đồng tiền mặt hiện có và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 dành riêng cho Dự án là 6.877 tỷ đồng.
Qua xem xét Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019, ACV có vốn chủ sở hữu là 36.757 tỷ đồng, nợ dài hạn là 14.900 tỷ đồng, trong đó đã đầu tư tài sản dài hạn là 20.884 tỷ đồng. Khả năng huy động vốn dài hạn để đầu tư Dự án tại thời điểm ngày 31/12/2019 là 30.773 tỷ đồng.
Khoản vốn vay (hơn 56,9 nghìn tỷ đồng) dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế... Hiện nay, 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143.000 tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận