Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội |
Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu). Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 10/11 về Dự thảo Luật này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ nhiều kỳ vọng.
Sân chơi mới, thể lệ mới cho người chơi mới
Ông cho biết, với Dự luật này, chúng ta mong muốn là tạo ra một sân chơi mới, thể lệ mới cho người chơi mới để đón nhận làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới. Hiện đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam rất lớn, đây là cơ hội để đón nhận làn sóng đó.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chủ trương chúng ta đã có nên giờ nhiệm vụ là luật hoá, để thành lập các đặc khu, tạo ra những thể chế tốt nhất vượt trội so với hệ thống pháp luật trong nước, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế, rút ra bài học kinh nghiệm về thất bại của các đặc khu trên thế giới, tranh thủ được mô hình tốt, cách làm tốt, xu hướng phát triển tốt, dựa vào điều kiện thực tế của Việt Nam trong việc phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao của chúng ta 25 năm qua.
“Đây là cơ hội thời cơ tốt nhất để chúng ta tổng kết, đánh giá và đưa ra mô hình mới, tạo ra thể chế mới, đón nhận và thu hút làn sóng đầu tư, tạo nên các cực tăng trưởng mạnh mẽ, đột phá, táo bạo để có thể đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo động lực, sự lôi kéo, lan toả cho cả kinh tế trong nước và doanh nghiệp trong nước phát triển”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Ông kỳ vọng chúng ta tạo ra được một thể chế mới, thu hút được nguồn lực đầu tư phát triển hết sức tự do, cạnh tranh trong khuôn khổ hiến pháp.
Vậy Chính phủ có đặt ra mục tiêu, kết quả mà 3 đặc khu kinh tế trong Dự luật mang tới?
Đây là việc chúng ta chủ động đưa ra, tạo dựng nên để đón nhận và hấp thụ một cách hiệu quả làn sóng đầu tư của quốc tế và của trong nước. Vì chủ động nên chúng ta phải biết mình muốn gì, nhà đầu tư cần gì. Chúng ta nên đưa ra những cái nhà đầu tư cần và thể chế của chúng ta có thể cho phép, chứ không đi theo cách tiếp cận là chúng ta có gì thì cho nhà đầu tư cái đó.
Có nghĩa là phải hài hoà cả hai phía, người ta muốn gì và chúng ta có thể cho gì, chứ không phải chỉ có cái mình cho người ta. Vì thực tế có cái mình cho nhưng người ta không muốn, người ta không cần thì mô hình đó hiện nay đều thất bại.
Mô hình đặc khu kinh tế cũng nhận được đồng thuận, nhưng việc tách ra thành các mô hình quản lý hành chính riêng cũng còn nhiều băn khoăn. Chúng ta có cần tính lại việc này?
Đây là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, cả những vấn đề về tổ chức hành chính cũng phải đặc biệt, thể chế về kinh tế cũng phải đặc biệt. Chúng ta muốn gì, nhà đầu tư cần gì? Nếu chúng ta không tiếp cận theo hướng đó thì rất khó có thể thành công, thu hút được.
Cơ chế đặc biệt, sẽ tính tới giám sát đặc biệt
Tạo ra cơ chế đặc biệt, nhưng chúng ta có cơ chế giám sát, kiểm soát nào đặc biệt không?
Muốn dành quyền tự chủ cho đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hiện có 2 phương án. Thứ nhất là không tổ chức UBND và HĐND, không trái hiến pháp, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, làm sao dành quyền tự chủ, chịu trách nhiệm, thẩm quyền trong điều hành hàng ngày của trưởng đơn vị.
Tuy nhiên khi uỷ quyền nhiều, phân cấp, phân quyền nhiều cho trưởng đặc khu thì chúng ta phải có cơ chế giám sát đi kèm.
Ban soạn thảo, Chính phủ cũng đã tính đến phải có giám sát từ UBND cấp tỉnh, HĐND tỉnh, giám sát từ các Bộ ngành T.Ư của Chính phủ theo ngành dọc và theo chiều ngang để có cơ chế giám sát lại các cơ quan của đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt này và trưởng đơn vị hành chính đặc biệt.
Vấn đề đặt ra khi chúng ta ra thẩm quyền nhiều thì chúng ta phải thiết kế được cơ chế giám sát đi kèm. Cái này đã được tính đến.
Về nguồn lực tài chính để đầu tư cho các đặc khu có khả thi không, thưa Bộ trưởng?
Khi thành lập các đơn vị này chúng ta không đi đầu tư, mà tạo ra một không gian đầu tư, một thể chế cạnh tranh để người ta vào đầu tư, từ làm hạ tầng đến kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đến phát triển các dự án ở đây đều do các nhà đầu tư hết.
Tuy nhiên kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu Chính phủ không tham gia hỗ trợ ban đầu một phần cũng rất khó để hình thành một số cơ sở hạ tầng ban đầu nên trong thiết kế lần này, chúng ta có tiếp cận là nhà nước sẽ hỗ trợ một phần, là vốn mồi để hình thành một số cơ sở hạ tầng ban đầu để lôi kéo, thúc đẩy nhà đầu tư.
Có thể chế tốt, các nhà đầu tư vào sẽ làm hạ tầng, quy hoạch rồi xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào rồi hình thành các dự án theo các định hướng ngành nghề và theo các quy hoạch mà chúng ta đã xác định từ ban đầu.
Có ý kiến cho rằng Trưởng đặc khu hiện nay không ai muốn làm vì trách nhiệm nặng nề, vị trí “chơi vơi” vì không ra Bí thư, cũng không ra Chủ tịch?
Đây là cơ chế mới, chưa có ở Việt Nam bao giờ, nên băn khoăn cũng là chuyện bình thường.
Tôi nghĩ, nếu có những thẩm quyền riêng gắn với trách nhiệm thì chắc chắn vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm của một số người được dân cử và T.Ư giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận