Đại biểu lo ngại lao động Việt bỏ trốn khi xuất khẩu
Sáng 6/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) nêu việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi tham gia xuất khẩu lao động ảnh hưởng hình ảnh quốc gia, cơ hội lao động khác và đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết giải pháp căn cơ tới đây để xử lý tình trạng này.
Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng cán bộ xin thôi việc ở Nhà nước sang làm ở lĩnh vực khác để cải thiện đời sống, tìm hiểu cơ hội mới, làm dấy lên lo ngại chảy máu chất xám ở lĩnh vực công.
Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình)
Trả lời chất vấn về tình trạng một bộ phận người lao động Việt Nam khi đi xuất khẩu lao động đã trốn ở lại không về nước đúng thời gian, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, hiện tượng đó tại thời điểm này không bức xúc bằng năm 2017.
Thời điểm đó, ông cũng trả lời chất vấn Quốc hội, đã báo cáo gần 52,5% lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc khiến nước này dừng nhận lao động Việt Nam.
Sau đó, Việt Nam kiên trì thực hiện các giải pháp như ký quỹ, phía nước bạn trục xuất, xử lý hình sự những người trốn ở lại. Đến nay, theo yêu cầu của Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH đã dừng xuất khẩu lao động ở 18 huyện của 9 tỉnh ở Hàn Quốc có tỷ lệ lao động trốn ở lại nhiều, do đó, chỉ còn 24,6% lao động hết hợp đồng không về nước.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn
Đối với lo ngại chảy máu chất xám ở lĩnh vực công, ông Dung cho biết, vừa qua, trong một phiên họp của Chính phủ đã đề cập đến việc này. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có câu trả lời.
Theo ông Đào Ngọc Dung, muốn để người lao động cả khu vực công và khu vực tư ổn định thì việc quan trọng nhất là thu nhập, đời sống, việc làm phải ổn định.
"Lương của lao động phải đủ sống, không chỉ lo cho bản thân, mà còn gia đình", ông Dung nói, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời thêm.
Không đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) về giải pháp nâng cao chất lượng lao động của người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận công nghệ, tác phong làm việc mới.
Đại biểu Nguyễn Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM)
Năm 2022, Việt Nam có 142.000 lao động đi nước ngoài, tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Trong đó, 3 nước trả thu nhập cao như Đức (2.500 Ero), Hàn Quốc (1.800 USD), Nhật Bản (1.500 USD), còn các nước khác chỉ khoảng 600 - 700 USD.
Các nước đều đánh giá lao động Việt Nam có ý thức, kỹ năng, hiệu suất công việc tốt, nhưng ngoại ngữ còn kém, tổ chức kỷ luật của một bộ phận không tốt (trốn ở lại, đánh nhau, vi phạm pháp luật).
"Không đưa lao động đi nước ngoài làm việc bằng mọi giá. Nếu không có môi trường tốt, thu nhập cao thì không đưa. Bộ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý lao động đi và về. Người lừa đảo lao động đi nước ngoài sẽ bị xử lý", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)
Lo ngại lao động bị lừa đi xuất khẩu
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lại băn khoăn về tình trạng lao động bị lừa đi xuất khẩu nhiều hình thức, từ đó, đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra nguyên nhân và giải pháp?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2022, lao động Việt đi làm việc nước ngoài là 142.000 người, chiếm 10% yêu cầu giải quyết việc làm. Số này đi theo Luật Người Việt Nam đi lao động nước ngoài, do 482 doanh nghiệp được cấp phép đưa đi.
Khẳng định người lao động "đi theo diện này không bị lừa", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng số lao động bị lừa là do đi qua công ty ma, công ty không được cấp phép. Thậm chí, các doanh nghiệp đã trá hình đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Nhiều trường hợp công ty cấp phép lừa đảo cả 2 đầu đi và đến như thu tiền môi giới cao hơn, không đúng ngành nghề, cuối cùng sang phải trả về hoặc làm việc không tốt.
Những trường hợp này, Bộ cùng cơ quan chức năng xử lý nhiều. Bộ cũng xử phạt nhiều với các doanh nghiệp vi phạm. Năm 2022, đã thanh tra xử lý 22 doanh nghiệp, 4 doanh nghiệp thu hồi giấy phép, phần lớn công ty ma không phải doanh nghiệp được cấp phép. Giải pháp để hạn chế tình trạng trên là tuyên truyền, xử lý vi phạm, thanh tra kiểm tra.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình)
Đại biểu băn khoăn tính xác thực về tỷ lệ thất nghiệp
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho biết, năm 2023, kinh tế nước ta đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động, việc làm đối mặt với nhiều rủi ro, tình trạng mất việc làm diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Trong khi đó, Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH lại cho thấy, tình trạng lao động mất việc làm ở nước ta thấp.
"Đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình rõ về những đánh giá và số liệu của Báo cáo đã sát với thực tiễn hay chưa? Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng đưa ra những dự báo và giải pháp cho thị trường lao động nước ta trong thời gian tới?", đại biểu Nga nêu vấn đề.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định con số tỷ lệ thất nghiệp 2,25% là đánh giá khách quan, khoa học, theo tiêu chí cụ thể quốc tế đưa ra. Con số là kết quả khảo sát thực hiện trong 1 tuần trước thời điểm công bố, theo tiêu chí đánh giá thất nghiệp là tình trạng người lao động trong độ tuổi có nhu cầu làm việc, nhưng không có việc làm, thậm chí không làm việc dù chỉ 1 giờ, sẵn sàng làm việc, không có việc làm hoặc đang tìm việc.
Ngoài áp tiêu chí đó, Tổng cục Thống kê còn mở rộng thêm một số tiêu chí theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Dự báo thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn, đặc biệt với ngành hàng sử dụng lao động nhiều, trong đó giày da, dệt may, túi xách, sản xuất hàng xuất khẩu.
"Dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã bào mòn tích lũy của người lao động, cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta không quá bi quan. Với quy mô thị trường lao động trên 51,2 triệu người, số thất nghiệp chính thức là 297.000 thì chúng ta vẫn hoàn toàn kiểm soát được", Bộ trưởng Dung khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận