Xã hội

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận trách nhiệm việc nông sản "được mùa mất giá"

07/06/2022, 15:00

Chiều 7/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

"Được mùa mất giá" vẫn là điểm nghẽn

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều nay (7/6), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Có 53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan.

img

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu), Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhắc tới điệp khúc "được mùa mất giá" chưa hồi kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề này hiện vẫn là điểm nghẽn.

Phát biểu trước phiên trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát hiện thực khách quan, lắng nghe hơi thở cuộc sống để có phiên chất vấn, trả lời chất vấn sôi nổi, thực chất và hiệu quả cao nhất. Các bộ trưởng, trưởng ngành cần tiết kiệm sử dụng tối đa thời gian phiên chất vấn, trả lời chất vấn.

"Nhân dân và cử tri cả nước đang chờ đợi câu trả lời thẳng thắn, trách nhiệm của các vị Bộ trưởng", Chủ tịch Quốc hội nói.

Để khống chế quy luật "được mùa mất giá" này, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hoá ngành hoá, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

"Bộ NN&PTNT nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và cho biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào.

"Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tối thiểu hóa chi phí, và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp. Chúng ta cũng phải phấn đấu theo hướng này", Bộ trưởng NN&PTNT nói.

Về câu hỏi “đến bao giờ” giải quyết được tình trạng “được mùa mất giá”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đây là câu hỏi ông rất sợ và rất khó trả lời.

Dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả vải ở Bắc Giang... Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương.

Nhắc lại câu nói của một lãnh đạo Hải Dương: "đất đai Hải Dương manh mún nhưng tư duy của người Hải Dương không được manh mún", Bộ trưởng NN&PTNT nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, khó định lượng. Từ đó, nhấn mạnh vấn đề là chúng ta dũng cảm, kiên trì cùng nhau đi và từ câu chuyện của Hải Dương hay của địa phương khác bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.

Giải pháp nào giải quyết ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu?

Nêu thực trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, gây nên rất nhiều khó khăn, tốn kém rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp, đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết cần có giải pháp gì để giúp người nông dân để nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản, tăng cường xuất khẩu và xây dựng một nền xuất khẩu bền vững?

img

Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên)

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.

Chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn.

Khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên.

Về thực tế Trung Quốc thay đổi biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chúng ta chậm thay đổi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nhìn nhận có trách trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ NN&PTNT chậm thông tin để cho người dân biết và bà con nông dân cũng chưa quan tâm đến lĩnh vực này.

Bộ trưởng cho rằng, về giải pháp, chỉ có một cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Ngoại giao cũng xây dựng dự thảo thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam chủ yếu trao đổi với cư dân biên giới, muốn chuẩn hóa để đi sâu vào nội địa, thị trường cấp cao hơn của Trung Quốc còn rất nhiều giải pháp để chuẩn hóa lại.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT có hàng ngàn thông tin thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia trên thế giới đối với mặt hàng nông sản. Như vậy trung bình một tháng gần 100 thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia, trong đó có những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện ngay nhưng vẫn phải chấp nhận để chuẩn hóa nông sản của Việt Nam đáp ứng theo từng loại thị trường trong bối cảnh đầy sự thay đổi, thay đổi rất nhanh chóng.

Ngày 8/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trực tiếp trả lời về công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát, hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng…

Nhóm lĩnh vực ngân hàng sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời trong cùng ngày. Tư lệnh ngành Ngân hàng sẽ trả lời về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế -xã hội, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, việc cấp hạn mức tín dụng, quản lý kiểm soát tín dụng ở các lĩnh vực rủi ro…

Ngày 9/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời các vấn đề liên quan đến việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Cùng tham dự và giải trình tại phiên chất vấn có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan như: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Thanh tra Chính phủ…

Cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ dành 70 phút cho Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, làm cơ sở giám sát việc thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.