Đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai
Ngày 2/4, trao đổi với PV Báo Giao thông về việc nhiều địa phương khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc “cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày” với nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có tình trạng đổ đất, cẩu bê tông trên đường, chặn người dân đi lại, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: "Cách ly xã hội nhằm tạo khoảng cách an toàn hơn chứ không phải phong toả, không phải ngăn sông cấm chợ".
Ông Dũng cho biết, liên quan đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai.
Cụ thể, từ ngày 1/4, đã có một số địa phương tiến hành việc rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, hay tạm dừng các công trình xây dựng. Bộ trưởng cho biết, việc “ngăn sông cấm chợ" là sai chỉ đạo của Thủ tướng.
Về việc đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ không cấm, tuy nhiên khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà.
Bộ trưởng đánh giá, việc Hà Nội lập các chốt kiểm soát trên các trục đường ra vào cửa ngõ Thủ đô để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, điều tra dịch tễ là tốt vì sẽ sàng lọc được những người nghi ngờ nhiễm bệnh để có giải pháp phù hợp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ đã trao đổi với các địa phương này, đề nghị thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16. Văn phòng Chính phủ cũng sẽ có văn bản cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương.
Cách ly xã hội để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.
Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong toả xã hội. “Điều quan trọng là đảm bảo an toàn cho người lao động”, Thủ tướng nêu rõ.
Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc. Chỉ thị 16 có hiệu lực trong vòng 15 ngày, từ ngày 1/4 đến 15/4, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng.
Cũng theo Thủ tướng, trong 15 ngày tới là giai đoạn quyết định để ngăn chặn dịch. Nếu quyết liệt, cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân.
Từ hôm qua (1/4), trên mạng xã hội và một số báo đã có những bài viết về tình trạng một số tuyến đường trên địa tỉnh Quảng Ninh như TP Hạ Long, huyện Ba Chẽ, huyện Đầm Hà bị đổ đất, đá, ngăn việc đi lại của người dân.
Do không thể di chuyển qua các xã trên cùng một huyện, nhiều người dân bức xúc, cho rằng chính quyền "ngăn sông cấm chợ".
Ông Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy TP, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết: "Việc lập rào chắn bằng đất, bê tông được người dân tự lập ra sau khi có Cỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Điện khẩn của UBND tỉnh. Trên tinh thần gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã phường cách ly với xã phường nên người dân đã có ý thức rất cao về công tác phòng chống dịch. Họ đã tự giác để bảo vệ bản thân và xã hội hơn, điều này là đáng khích lệ.
Tuy nhiên, sau khi rà soát tại các điểm dựng rào chắn đất, bê tông này của người dân, xét thấy những vị trí không hợp lý, chính quyền địa phương đã giải phóng, di dời và bố trí người chốt chặn".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận