Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Sớm đưa vaccine tới người dân ngay trong quý I/2021
Chiều nay (2/2), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Y tế đang xem xét sớm đưa vaccine tới người dân ngay trong quý I/2021 một cách phù hợp với điều kiện Việt Nam, lãnh đạo các địa phương cần tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn; thực hiện quyết liệt "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế.
Thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng như đeo khẩu trang, khai báo y tế, không tập trung đông người…
Ngành Y tế đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vaccine cũng như có kế hoạch nhập khẩu vaccine để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng.
“Cùng với phòng chống dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ lịch sử ở miền Trung, Tây Nguyên và rét đậm, rét hại ở miền núi phía bắc vừa qua, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và các mặt khác, không để người dân thiếu đói, không có nhà ở, bảo đảm mọi gia đình đều vui Xuân đón Tết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về nhận định sau 10 ngày nước ta có thể dập được dịch, Bộ trưởng Dũng cho rằng nếu đúng dập dịch được trong thời gian đó thì rất mừng. Tuy nhiên, ông khẳng định đây không phải ý kiến của Chính phủ.
“Chính phủ không công bố thông tin 10 ngày dập được dịch, đây là ý kiến cá nhân thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Ai công bố thì trách nhiệm của người đó, không phải danh nghĩa Chính phủ”, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nói.
Vaccine mới sẽ ưu tiên các đối tượng nào?
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, sau khi phát hiện 2 ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, với sự hỗ trợ của các bộ ban ngành liên quan tập trung khoanh vùng, truy vết, xác định rõ để nhanh chóng khoanh vùng F0, không để dịch bệnh lây lan quá rộng.
Ông Thuấn lưu ý, dịch bệnh lần này sẽ nhanh, dễ lây lan hơn các lần trước bởi lây qua cả không khí, chứ không chỉ lây qua tiếp xúc gần.
Thông tin về vaccine Covid-19, ông cho biết, Bộ Y tế đã ký kết với hãng dược AstraZeneca của Anh để trong năm 2021 cung cấp 30 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Thêm vào đó, Bộ Y tế đang đàm phán với đối tác để trong quý I/2020 bắt đầu có vaccine Covid-19.
Đại diện Bộ Y tế lưu ý, điểm khó khăn hiện tại là EU đang hạn chế xuất khẩu nên thông kênh hợp tác quốc tế, Bộ Y tế đang đàm phán để có vaccine nhanh nhất.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang đàm phán với hãng Pfizer của Mỹ cũng như đàm phán vaccine Covid-19 của Nga và Trung Quốc.
Ngoài ra, ông dự kiến cuối năm 2021, đầu năm 2022 sẽ có vaccine nội do Việt Nam phát triển.
Ông khẳng định, vaccine ngoại nhập cùng với vaccine Covid-19 trong nước "chúng ta có thể có đủ vaccine để tiêm cho cộng đồng".
Về đối tượng được tiêm vaccine, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết: "Đương nhiên, khi mới có, với lượng chưa đủ, chắc chắn sẽ dùng cho các đối tượng ưu tiên, bao gồm các cán bộ y tế làm công tác chống dịch, đối tượng người cao tuổi, đối tượng mắc bệnh nền có nguy cơ cao và một số đối tượng khác, ví dụ cán bộ ngoại giao".
Hà Nội cần thay đổi chiến thuật, nâng cấp các biện pháp phòng chống Covid-19
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng lưu ý, các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh đang có ca bệnh, cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế, triển khai các biện pháp truy vết, tích cực khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng, chú trọng truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần.
"Các tỉnh, thành phố đã có ca cộng đồng, đặc biệt tại Hà Nội, cần thay đổi chiến thuật, nâng cấp các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với thời kỳ trước, trong đó thực hiện giãn cách xã hội hoặc hạn chế tập trung đông người, phù hợp cho từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Ông nhấn mạnh, cần xác định các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó suy ra F2, coi F2 như F1, vừa truy vết đồng thời khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng, lấy mẫu toàn bộ người dân tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng; tiến hành khoanh vùng hoặc nới lỏng khi tất cả các trường hợp đều âm tính.
Khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố đeo khẩu trang bắt buộc, hạn chế tập trung đông người, tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu.
"Với Hà Nội, cần chủ động căn cứ vào tình hình và trao đổi với Bộ Y về việc có cần giãn cách không", ông Thuấn nói.
Sẽ không thiếu thịt lợn dịp Tết Nguyên đán
Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chắc chắn sẽ không thiết thịt lợn, giá cả cũng sẽ ổn định, không tăng đột biến như thời kỳ trước.
Thông tin thêm về tình hình phát triển gia súc, gia cầm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đàn lợn tiếp tục đà phục hồi, đàn gia cần phát triển tốt.
Về các hoạt động dịch vụ, đang diễn ra khá sôi nổi trong dịp Tết Dương lịch và cận Tết Nguyên đán, điển hình là dịch vụ bán buôn bán lẻ, vận tải. Thị trường trong nước được đẩy mạnh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2021 ước đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận